Tôm, cá Việt Nam chờ cơ hội bùng nổ đơn hàng ở thị trường Mỹ, Trung Quốc

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 31/01/2023 12:07 PM (GMT+7)
Năm 2023, với rất nhiều tín hiệu mới từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Bình luận 0

Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh so với năm 2021, mặc dù Trung Quốc áp dụng chiến lược "Zero Covid" trong cả năm, nhưng các doanh nghiệp đã quen và đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch của nước này.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 476.800 tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 61,2% về trị giá so với năm 2021. 

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tháng cuối năm giảm do dịch Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát sau quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Thủy sản Việt Nam nhiều cơ hội ở thị trường Mỹ, Trung Quốc - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm nuôi tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: Chúc Ly

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 476.800 tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 61,2% về trị giá so với năm 2021.

Việt Nam chiếm gần 10% khối lượng nhập khẩu và gần 8% giá trị nhập khẩu thủy sản vào Mỹ.

Năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực sang Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh so với năm 2021 như: cá tra tăng 30,1% về lượng và tăng 59,8% về trị giá; tôm các loại tăng 33,2% về lượng và tăng 76,6% về trị giá; cá khô tăng lần lượt 71,4% và 80,8%; mực các loại tăng 27% và 49%.

Năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm lại, đặc biệt trong nửa đầu năm. Mặc dù hầu hết người dân Trung Quốc đã thích ứng với Covid-19, nhưng nhu cầu dự kiến vẫn thấp do dịch bệnh kéo dài 3 năm khiến thu nhập của hầu hết các hộ gia đình giảm.

Ngày 8/1/2023, Cơ quan Quốc gia về quy định thị trường của Trung Quốc đã chính thức ngừng xét nghiệm và khử trùng Covid-19 đối với thực phẩm đông lạnh và ướp lạnh. Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng đã ngừng xét nghiệm Covid-19 đối với các lô hàng đông lạnh và ướp lạnh đến các cảng của nước này. Nhờ đó, chi phí nhập khẩu thủy sản đông lạnh và ướp lạnh vào Trung Quốc sẽ giảm so với trước đây.

Trong nửa cuối năm 2023, việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phát huy tác dụng, kinh tế phục hồi khả quan hơn, thu nhập của người dân tăng sẽ hỗ trợ tiêu dùng thủy sản. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nửa cuối năm 2023 sẽ khả quan hơn so với nửa đầu năm.

Cá tra Việt chiếm vị trí quan trọng ở thị trường Mỹ

Trong khi Trung Quốc tăng nhập khẩu thủy sản Việt Nam thì xuất khẩu thủy sản sang Mỹ cũng rất khả quan, nhất là với mặt hàng cá tra.

Theo Ủy ban Cá của Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC), nhập khẩu cá tra của Mỹ đang tăng lên trong khi cá rô phi đang giảm trên thị trường, giá nhập khẩu hai loài đều bình thường và nguồn cung ổn định.

Mỹ đã nhập khẩu 120.000 tấn philê cá tra từ tháng 1 đến tháng 11/2022, còn cá rô phi là 96.000 tấn. Năm 2021, nhập khẩu philê cá rô phi là 109.000 tấn, so với 106.000 tấn của cá tra. Từ tháng 1 đến tháng 11/2021, Mỹ đã nhập khẩu 40.000 tấn cá rô phi nguyên con đông lạnh bên cạnh 96.000 tấn philê, như vậy tổng mức là 136.000 tấn.

Theo VASEP, các sản phẩm cá vẫn có sức hút lớn với người tiêu dùng Mỹ. Lượng nhập khẩu cá ngừ vẫn tăng 3% về khối lượng và 12% về giá trị. Nhập khẩu cá hồi tăng lần lượt 32% và 31%; các loại cá khác (bao gồm cả cá tra, cá da trơn và các loài cá thịt trắng khác…) tăng lần lượt 12% và 18% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 11/2022, Mỹ đã nhập khẩu trên 2,9 triệu tấn thủy sản, trị giá 27,5 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng và 9% về giá trị. Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ, sau Canada, Ấn Độ, Chile và Indonesia. Việt Nam chiếm gần 10% khối lượng nhập khẩu và gần 8% giá trị nhập khẩu thủy sản vào Mỹ.

Các sản phẩm cá khác (trừ cá ngừ và cá hồi) chiếm 33% về khối lượng và 21% về giá trị nhập khẩu thủy sản của Mỹ. Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ 3, chiếm 13% với sản phẩm thế mạnh là cá tra với khối lượng trên 150.000 tấn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem