Tôm nõn Cửa Lò sấy máy, hút chân không đỏ au, vừa đẹp vừa ngon

Trần Nguyễn Minh Thư (Trạm KN Cửa Lò) Thứ sáu, ngày 31/01/2020 19:15 PM (GMT+7)
Từ lâu, đặc sản tôm nõn được sản xuất nhiều ở thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), tập trung nhiều ở một số phường như Nghi Thủy, Nghi Hải, Nghi Tân. Trong đó tại phường Nghi Thủy đã hình thành tổ hợp tác chế biến tôm nõn với vài chục hội viên. Sản phẩm tôm nõn Cửa Lò ngoài du khách thì người tiêu dung nội địa cũng rất ưa chuộng, vì thế luôn bán được giá cao.
Bình luận 0

img

Tôm nõn Cửa Lò là một trong những sản phẩm đặc sản được du khách chọn mua mỗi khi có dịp ghé thăm Nghệ An. Ảnh: I.T

Sản xuất tôm nõn ở Cửa Lò lâu nay vẫn theo phương thức truyền thống là phơi sấy bằng than hoa, than tổ ong, tuy nhiên khi sử dụng than hoa, than tổ ong đã tạo ra nhiều khói, bụi, bụi than, bồ hóng, khí CO2… Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế mà vẫn giữ được màu sắc đặc trưng của tôm nõn.

Trước yêu cầu đó, nhằm hỗ trợ người dân phương thức sản xuất mới thay thế việc sấy tôm bằng than, Trạm Khuyến nông thị xã Cửa Lò đã thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, trong đó có xây dựng mô hình “Sản xuất tôm nõn Cửa Lò bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không” với 2 hộ dân tại phường Nghi Thủy và Nghi Hòa tham gia.

img

Ngoài những hải sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, ốc, mực,… một số đặc sản được chế biến khô có thể cất giữ dài ngày của Cửa Lò hiện nay được rất nhiều khách hàng ưa thích là tôm nõn, cá thu nướng, cá cơm, mực khô...

Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí để mua 01 máy sấy công nghiệp hạng trung MSD 1000, 01 máy đóng gói hút chân không DZQ 400, 400 kg nguyên liệu tôm tươi, 25 kg bao bì PE, và 1.000 nhãn sản phẩm, với tổng giá trị xây dựng mô hình hơn 170 triệu đồng.

So sánh hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ máy sấy vào sản xuất tôm nõn cho thấy: Để sấy khô được 100 kg tôm nõn tươi đã bóc vỏ thì cần tới 24 bếp than tổ ong với 24 viên than tổ ong và 24 - 26 kg than lim, 30 kg than hoa với tổng giá thành khoảng 200.000 đồng. Trong khi sử dụng máy sấy MSD 1000 công suất 3kw/h, cần sấy 2 mẻ trong thời gian 8 giờ thì chỉ mất 24 kw điện năng. Với giá điện sinh hoạt là 1.800 đồng/kw thì chỉ tiêu tốn 43.200 đồng. Như vậy, tiết kiệm được 156.000 đồng so với sấy bằng than.

img

Tôm nõn là một trong những hải sản khô nổi tiếng nhất không chỉ bởi màu sắc bắt mắt, mùi vị thơm lừng mà còn bởi sự bổ dưỡng và đắt đỏ của nó. Tôm nõn được sản xuất quanh năm, nhưng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 là chính vụ vì nguồn tôm biển rất dồi dào. Ảnh: Quang An

Chị Mai Thị Lý ở phường Nghi Thủy – hộ thực hiện mô hình cho biết, mỗi năm gia đình chị phải mua hết từ 100 - 200 triệu đồng tiền than các loại. Nếu đầu tư 2 máy sấy MSD 1000 hết 110 triệu đồng, cộng với chi phí điện năng vận hành máy sấy vẫn còn ít hơn so với sản xuất bằng than.

Bên cạnh đó sản xuất bằng máy sấy giảm rất nhiều công lao động, không có khói bụi, độ đồng đều sản phẩm cao, máy chiếm diện tích nhà xưởng ít, có thể di chuyển được, các khay sấy sau khi sản xuất có thể vệ sinh dễ dàng, máy vận hành tiện lợi, mọi thông số đều được cài đặt tự động một lần, sử dụng nguồn điện sinh hoạt an toàn và tiện lợi. Máy mới vận hành trong thời gian ngắn nhưng đã được nhiều hộ sản xuất đánh giá cao.

img

Một cơ sở chế biến tôm nõn ở làng nghề Cửa Lò. Ảnh: Hoàng Hảo

Sau 3 tháng triển khai mô hình bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành công của mô hình sẽ thay thế dần phương thức sản xuất cũ bằng phương thức mới thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm đặc sản an toàn cho người sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem