Tôm nước lợ sẽ mang về 4,2 tỷ đô la, bất chấp khó khăn bủa vây

Anh Thơ Thứ năm, ngày 29/03/2018 13:00 PM (GMT+7)
Một trong những mục tiêu đặt ra với ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm trong năm 2018 là xuất khẩu tôm nước lợ phải đạt trên 4,2 tỷ USD. Điều này đang đặt ra không ít áp lực đối với công tác quản lý, doanh nghiệp cũng như người nuôi tôm.
Bình luận 0

Áp lực lớn

Theo Thông báo số 2099 của Bộ NNPTNT về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành tôm năm 2018, trong năm nay sẽ tiếp tục có nhiều áp lực lớn đối với ngành tôm, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 4,2 tỷ USD.

img

Nông dân xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định) thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: T.L

4 thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Dự báo trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng của các thị trường này tiếp tục có xu hướng tăng.

Mục tiêu này sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, chưa kể dịch bệnh tôm có diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường, các rào cản kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu… cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận thị trường.

Còn nhớ năm 2016, hạn mặn xâm nhập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều vùng nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL, khiến hơn 2.000ha nuôi tôm quảng canh của người dân bị thiệt hại nặng nề.

Trong khi đó, hiện nay, tình hình xâm nhập mặn bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên. Còn tại các huyện ven biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang như Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, chỉ trong mấy ngày đầu năm, mặn theo kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên với nồng độ từ 6 - 8 phần nghìn đã xâm nhập vào hệ thống kênh nội đồng hàng chục km. Dù chưa ghi nhận những thiệt hại cho ngành nông nghiệp nói chung và người nuôi tôm nói riêng, nhưng tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến quá trình sản xuất trở nên gian nan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Đó là chưa kể, việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong nuôi tôm hiện nay đã trở thành nỗi ám ảnh. Kháng sinh được trộn vào với thức ăn, đổ trực tiếp xuống đồng, thậm chí ở một số vùng nuôi tôm ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, người ta còn mua cả thuốc tân dược (dùng cho người) về tán nhỏ, trộn với thức ăn cho tôm mà không cần biết thuốc có tác dụng gì.

Đơn cử như tại Bình Thuận, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, dư lượng kháng sinh thường xuất hiện trong tôm nuôi thương phẩm là Oxy tetracycline, Chloramphenicol (kháng sinh diệt khuẩn ở nồng độ cao) và Enrofloxacin (kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn, giúp tôm nuôi ít bị tấn công gây bệnh). Dù các chất này đã được Bộ NNPTNT cấm sử dụng, nhưng vì lợi nhuận, không ít hộ dân vẫn sử dụng bừa bãi để kích thích tôm lớn nhanh. Nhiều nông dân quan niệm, giống như cám, kháng sinh là “thức ăn” không thể thiếu đối với con tôm.

Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên tôm ngày càng khó kiểm soát. Ví dụ như tại Phú Yên, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng… đã hoành hành trong vụ nuôi năm 2017 tại hầu hết các vùng nuôi, khiến hơn 208ha tôm thẻ chân trắng, tôm sú bị thiệt hại.

Dịch bệnh hoành hành không chỉ khiến người nuôi thiệt hại mà rất nhiều cơ hội tốt từ thị trường cũng phải bỏ qua. Đơn cử là từ những ngày đầu năm 2018, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Ảrập Saudi (SFDA) đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thủy sản, động vật giáp xác và các sản phẩm từ thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Vẫn có nhiều tín hiệu khả quan

 Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, năm nay cũng có những tín hiệu khả quan cho ngành tôm Việt Nam như Việt Nam đã đảm bảo tự sản xuất, cung ứng đủ giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khởi công; chuỗi sản xuất tôm bước đầu hình thành…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, với thời gian nuôi ngắn, năng suất cao trong khi giá bán khá ổn định, tôm chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản. Năm 2018, sản lượng tôm chân trắng có khả năng đạt 430.000 tấn, tăng 0,7% so với năm 2017.

Một tín hiệu vui với tôm Việt Nam là Australia đang xem xét việc nhập khẩu tôm tươi nguyên con vào thị trường này. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đang cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng cơ sở an toàn và chuỗi sản xuất tôm an toàn để phục vụ xuất khẩu. 

Riêng Tập đoàn Việt-Úc đã và đang xây dựng chuỗi sản xuất khép kín phục vụ xuất khẩu. Nếu phía Australia kiểm tra và đạt các yêu cầu thì cơ hội xuất khẩu tôm nguyên con là rất lớn.

Để đạt được những kế hoạch đặt ra trong năm 2018, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần lưu ý tập trung tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tôm bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến; không sử dụng hóa chất, kháng sinh; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết; kiểm soát chặt việc lưu thông, buôn bán tôm giống trôi nổi, nhất là các chợ tôm giống tự phát...

Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra trách nhiệm quản lý chất lượng tôm giống bố mẹ nhập khẩu đã phân cấp cho các địa phương; phối hợp tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh tôm giống và công khai trên website của Tổng cục Thủy sản...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem