Tổng Bí thư nêu và trả lời 3 câu hỏi lớn xung quanh Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đất “chín Rồng”

PVCT Thứ sáu, ngày 22/04/2022 12:51 PM (GMT+7)
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích, làm rõ và trả lời 3 câu hỏi liên quan đến việc Bộ Chính trị đã bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình luận 0

Tạo bước đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tổ Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (còn gọi đất "chín Rồng"- PV) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tổng Bí thư nêu và trả lời 3 câu hỏi lớn xung quanh Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đất “chín Rồng” - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội nghị của Bộ Chính trị. Ảnh TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung phân tích, làm rõ, trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lúc này Bộ Chính trị bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết lần này là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển vùng của Đảng, trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và 6 Kết luận về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và 2020.

Tổng Bí thư nêu và trả lời 3 câu hỏi lớn xung quanh Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đất “chín Rồng” - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải để trả lời 3 câu hỏi xung quanh Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đất “chín Rồng”. Ảnh VGP

Vì vậy, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần thiết thực vào việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Vẫn theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới lần này là để tiếp tục phát huy những kết quả thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, và vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra.

"Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết lần này sẽ góp phần để đồng bằng sông Cửu Long 'đứng dậy' làm chủ và 'vươn lên' mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư nêu và trả lời 3 câu hỏi lớn xung quanh Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đất “chín Rồng” - Ảnh 3.

Các vị lãnh đạo tham dự hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh VGP

Nội dung mới của Nghị quyết

Đề cập đến ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên những điểm đáng chú ý.

Đề cập tới mục tiêu của Nghị quyết, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 21-NQ/TW trước đây không đề cập thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Luận giải để trả lời câu hỏi chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trước hết phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn Vùng, từng địa phương trong Vùng, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước…

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40.600 km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa mầu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới. Dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem