Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: Đất nuôi ngao, hàu rất "nóng", không khác đất thành phố

Thiên Hương Thứ năm, ngày 21/04/2022 19:53 PM (GMT+7)
"Hiện đất nuôi ngao, đất nuôi hàu có khi còn “nóng” hơn cả đất ở thành phố. Trong Quyết định số 1664, chúng tôi khuyến cáo rất rõ các khu vực nuôi ven bờ phải rà soát lại vì quá tải rồi" - ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết.
Bình luận 0

Đất nuôi ngao, hàu "nóng" không khác nào đất thành phố

Tại buổi Toạ đàm chủ đề "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức", do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức mới đây, ông Vũ Trí Tuân - Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết: Tôi đại diện hội nuôi ngao ở Hải Phòng, là tỉnh ven biển có nhiều hồ, vùng nước sâu, nông thuận lợi cho nuôi cá, ngao, tôm... Hiện Hải Phòng có 2 vùng nuôi ngao lớn là cát hải và Đồ Sơn.

Người dân tham gia nuôi nhuyễn thể từ năm 2009, được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuận nên thời gian đầu làm ăn thuận lợi. Tuy nhiên từ 2014 đến nay, UBND thành phố Hải Phòng không lấy ý kiến của bà con mà tự ý cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Từ đó các vùng nuôi ngao của chúng tôi liên tục xảy ra tình trạng ngao bị chết hàng loạt.

"Thời gian vừa qua, chúng tôi thấy các cấp thẩm quyền thông tin là đã lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường. Nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận thấy có các thiết bị và các thông tin quan trắc môi trường" - ông Tuân cho biết.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: Đất nuôi ngao, hàu rất "nóng", không khác đất thành phố - Ảnh 1.

Hình ảnh những con tàu khai thác cát đang vần vũ trên cửa sông Văn Úc, đe dọa trực tiếp vào bãi nuôi ngao của hàng trăm hộ dân tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Ảnh: Dân Việt

"Khi xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt, các cấp chính quyền lại cho rằng ngao chết do thời tiết bất thường, không liên quan đến tình trạng xả thải từ các tàu nạo hút cát. Chúng tôi gửi đơn kiến nghị đi khắp nơi từ địa phương đến Trung ương nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hiện, việc nạo hút cát vẫn diễn ra triền miên nhưng chưa được xử lý triệt để khiến bà con rất bức xúc" - ông Tuân chia sẻ tại buổi Toạ đàm.

Trong một cuộc hội thảo do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, đại diện Công ty Lenger - doanh nghiệp xuất khẩu ngao sang châu Âu cũng bày tỏ lo ngại môi trường vùng nuôi đang bị ô nhiễm, xâm lấn. Để hình thành được các khu nuôi trồng thuỷ sản tiềm năng ven biển, người dân thường phải mất nhiều năm để khai hoang, xây dựng và tạo nên các khu nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả. 

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương lại tiến hành cho khai thác cát, làm khu công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về biến đổi kết cấu đáy biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: Đất nuôi ngao, hàu rất "nóng", không khác đất thành phố - Ảnh 2.

Người dân tại Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thu hoạch ngao. Ảnh: Hữu Anh

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện nay đất nuôi ngao, đất nuôi hàu có khi còn "nóng" hơn cả đất ở thành phố. 

Trong Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030, đã khuyến cáo rất rõ các khu vực nuôi ven bờ phải rà soát lại vì quá tải rồi.

"Một mặt chúng ta thúc đẩy phát triển các trang trại, nhưng do nuôi với mật độ dày, khiến môi trường ô nhiễm. Đến một lúc nào đó môi trường quá tải không chịu được sẽ phát sinh dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ bà con bị mất trắng. Vì vậy thực hiện chiến lược phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển, chúng tôi sẽ rà soát lại và giao mặt nước theo Luật Thủy sản, để cấp mã số cho bà con" - ông Luân nói. 

Cũng theo ông Luân, chúng tôi mong muốn mở rộng trang trại nuôi biển xa bờ, với sự tham gia của những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đầu tư, khai thác như các nước đang làm.

Chúng ta xây dựng quy hoạch và giao mặt nước cho các hộ, tránh trường hợp thấy năm nay lời thì năm sau lại tự động mở rộng hơn. Quy định hướng dẫn rất rõ, song có một thực tế là rất nhiều cán bộ làm công tác quản lý, quy hoạch đều ngại va chạm với bà con. 

"Nhiều cán bộ bày tỏ lo ngại năm nay bà con làm ăn được, nếu khuyến cáo, ngăn cản bà con mở rộng diện tích, nhỡ sang năm bán được giá cao bà con lại đổ lỗi do cán bộ không làm giàu được. Người dân cần hiểu là cơ quan chức năng khuyến cáo thì cũng chỉ mong muốn bà con sản xuất ổn định, bởi thị trường lúc giá tăng, lúc giá giảm biến động khó lường" - ông Luân nói thêm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cũng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới vùng từ 3 hải lí trở vào bờ, vì liên quan mật thiết tới đời sống của bà con. Chúng ta đã có quy định nhưng hầu như vẫn làm tự phát.

"Tôi mới làm việc ở Sông Cầu (Phú Yên) mấy ngày trước, đây nổi tiếng là nơi nuôi tôm hùm rất tốt. Nhưng bà con vẫn làm cảm tính lắm. Nếu năm nay tôm hùm bán giá cao, tích luỹ được đồng nào bà con lại mở rộng lồng nuôi chừng đó. Đến nỗi có thời điểm mặt nước ở khu vực này không còn chỗ trống, hệ quả là lại xảy ra tình trạng tôm chết vì dịch bệnh, vì môi trường bị ô nhiễm" - ông Luân kể. 

Vì vậy, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh, các cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp phân ô, giao cho các hộ nuôi tôm hùm với một định mức cụ thể, quy hoạch bài bản hơn. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem