Tổng kiểm tra giao thông có lãng phí 34 triệu phút của dân?

Nguyễn An Thanh Thứ sáu, ngày 29/05/2020 08:31 AM (GMT+7)
Với lệnh tổng kiểm tra phương tiện giao thông toàn quốc, đi đâu cũng thấy chốt cảnh sát giao thông và người dân sẽ phải dừng lại không cần bất cứ lý do gì. Khác với ngày thường phải thấy dấu hiệu vi phạm hay Cục trưởng Cảnh sát Giao thông, Giám đốc Công an tỉnh ban hành chuyên đề kiểm tra thì mới được dừng phương tiện.
Bình luận 0

Khá nhiều người cho rằng, đáng lẽ cần phải "khoan sức dân" sau thời điểm ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, để người dân mưu sinh, các doanh nghiệp phục hội thì cảnh sát giao thông đã làm ngược lại.

Đến đầu năm 2020, tại Việt Nam có xấp xỉ 4 triệu ô-tô và chạm ngưỡng 60 triệu xe máy, chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Thông thường với tỷ lệ lưu thông 50% thì con số đang hoạt động ngoài đường đã là rất lớn.  Và nếu như thông báo  kiểm soát 10% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ lưu thông thì sẽ có khoảng 200 nghìn ôtô và 3 triệu xe máy sẽ bị dừng kiểm soát.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi trường hợp dừng xe máy ít nhất là mất 5 phút, thậm chí có trường hợp lên đến 30 phút, tạm tính trung bình mất 10 phút. Đối với ôtô, thời gian gấp đôi phải mất 20 phút. Như thế lần tổng kiểm tra này xã hội sẽ mất 34 triệu phút cho công tác dừng xe kiểm tra này, trong bối cảnh các công ty và người dân phải gồng mình chạy đua với thời gian mưu sinh và sản xuất kinh doanh sau hơn 2 tháng đình trệ công việc.

Tổng kiểm tra giao thông có lãng phí 34 triệu phút của dân? - Ảnh 1.

Trong đợt tổng kiểm tra này, cảnh sát giao thông được quyền dừng bất kỳ phương tiện nào mà không cần lý do. Ảnh: TTXVN.

Theo số liệu Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cung cấp, trong thời gian từ ngày 15 - 22/5, cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản đối với hơn 100 ngàn trường hợp. Công an các tỉnh, thành đã tạm giữ gần 16 ngàn phương tiện, tước 6.440 giấy phép lái xe các loại. Tổng số tiền phạt trong tuần đầu tiên tổng kiểm soát phương tiện là 75,5 tỷ đồng. 

Sau dịch, tình hình trật tự an toàn giao thông khá phức tạp, từ vi phạm nồng độ cồn, đua xe, lạng lách gây tai nạn chết người, phóng nhanh vượt ẩu, chống người thi hành công vụ, cuộc kiểm tra nên tập trung ngăn chặn, xử lý các đối tượng này.

Nếu đặt những con số đã xử phạt cạnh 34 triệu phút ngừng xe, hay xem tỷ lệ xe vi phạm cạnh con số xỉ 4 triệu ô-tô và 60 triệu xe máy thì tự chúng ta sẽ tìm ra ngay câu trả lời, có thực sự hiệu quả khi tổng kiểm tra ngay hay chưa.   

Một vấn đề nóng mà tổng kiểm tra phương tiện xe máy mới lộ ra, là người dân né tránh việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ 3. Có người chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm người ngồi trên xe, kiểu để đối phó. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính đã tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện bảo hiểm năm 2019 như sau: Tổng thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 ước tính 3.590 tỷ đồng cả phí ô tô và xe máy.

Tổng số tiền bồi thường chỉ hơn 972 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 27% số tiền người dân đã bỏ ra để mua bảo hiểm (ở nước ngoài con số này dao động 50-60%). Trong đó số tiền bảo hiểm chi trả thay chủ xe ô tô là hơn 927 tỷ đồng, xe máy là hơn 45 tỷ đồng. Con số này cũng phần nào lý giải vì sao người dân đi xe máy lại không mặn mà mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bởi kể cả khi mua (luật bắt buộc) thì thủ tục được nhận đền bù cũng không dễ chút nào.

Vẫn có những ý kiến khác nhau về vấn đề CSGT có nên kiểm tra bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay không. Nhưng để người dân tự giác tham gia mua bảo hiểm thì Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cần phải vào cuộc giám sát, kiểm tra việc đền bù khi xẩy ra tai nạn, nếu cần thì phải lập đường dây nóng để người dân phản ánh. Việc quy định đền bù dưới 10 triệu đồng vẫn phải có biên bản hiện trường, với sự chứng kiến của cảnh sát giao thông đang là đánh đố người dân?

Câu chuyện kiểm tra những người vi phạm an toàn giao thông là cần thiết, nên làm và đã là việc làm thường xuyên lâu nay của lực lượng cảnh sát giao thông, được người dân đồng tình ủng hộ. Nhưng tổng kiểm tra, để dừng bất cứ phương tiện tham gia nào dù không hề có dấu hiệu vi phạm giao thông là việc làm có cần thiết hay không ngay sau giãn cách xã hội là vấn đề cần phải cân nhắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem