Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 500 tỷ USD
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, việc kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỷ USD trong tháng 12 này được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là hoàn toàn khả thi. Trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 400 tỷ USD vào năm 2017.
"Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019." Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Về thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Theo đánh giá của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay, nền kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm dẫn tới các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng.
Ngoài ra, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
"Xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu." bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý về tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ. Trong đó, điển hình là ngành gỗ của Việt Nam với sự tăng đột biến về trị giá xuất nhập khẩu của mặt hàng gỗ dán.
"Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ." Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Tuy đạt được kết quả khả quan năm 2019, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.
Theo đó, để đạt mục tiêu, Bộ Công Thương và một số đơn vị doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc thực hiện biện pháp đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại như việc ứng dụng thương mại điện tử...
Mới đây, Bộ Công Thương đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Amazon để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu thông qua thương mại điện tử.
Được biết, trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa được bán hàng được trên sàn thương mại điện tử này. Cụ thể, Amazon có khoảng hơn 300 triệu tài khoản, năm 2019, đã có hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam đăng ký và bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ.