Tổng thống Joe Biden sẽ nói gì với Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ đầu tiên?

Lê Phương (Newsweek) Thứ sáu, ngày 11/11/2022 14:05 PM (GMT+7)
Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới khi các nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên, theo một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ.
Bình luận 0
Tổng thống Biden sẽ nói gì với Chủ tịch Tập trong cuộc gặp gỡ đầu tiên? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty

1 ngày sau khi Tổng thống Biden xác nhận rằng ông đang có kế hoạch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vào tuần tới tại Indonesia, một quan chức chính quyền cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ rằng hai người đã hoàn tất kế hoạch hội đàm hôm 14/11.

Hai nhà lãnh đạo đã tổ chức một số cuộc thảo luận qua hình thức trực tuyến hoặc gọi điện, tuy nhiên đây sẽ là lần đầu tiên họ gặp nhau trực tiếp kể từ khi ông Biden nhậm chức vào đầu năm ngoái. Quan chức chính quyền cấp cao nhắc lại niềm tin của Tổng thống Mỹ rằng "không có gì thay thế được" cho các cuộc trò chuyện trực tiếp và ông kỳ vọng đây sẽ là một cuộc thảo luận "chuyên sâu" và "chiến lược".

Cuộc thảo luận này dự kiến sẽ bao gồm các điểm nóng về chính sách đối ngoại đang làm gia tăng căng thẳng trên toàn cầu.

Quan chức lưu ý "Mỹ và Trung Quốc có lịch sử làm việc cùng nhau" trong các vấn đề xung quanh Bán đảo Triều Tiên, nơi các sự cố xuyên biên giới đã nổ ra khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung và Triều Tiên tăng cường thử nghiệm vũ khí.

Quan chức này nói thêm rằng Tổng thống Biden "sẽ trung thực và trực tiếp với Chủ tịch Tập về tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine".

Ngoài việc tìm cách cùng nhau giải quyết "những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế", quan chức này cho biết Tổng thống Biden sẽ tìm cách "thiết lập các quy tắc chung" trong việc quản lý cạnh tranh song phương.

Vị quan chức cho biết thêm ông Biden sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại của ông Tập về các chính sách của Washington.

Quan chức này nói: "Chính sách của chúng tôi không phải là ngăn cản Trung Quốc. Và tôi nghĩ rằng Tổng thống sẽ trả lời rõ ràng nếu Chủ tịch Tập hỏi câu hỏi đó".

Về những hạn chế mà chính quyền Mỹ đang áp dụng đối với công nghệ Trung Quốc trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, quan chức giải thích: "Chúng tôi quan tâm đến những công nghệ cao cấp hỗ trợ cho sự phát triển của các ứng dụng quân sự từ Bắc Kinh. Đó là cách tiếp cận có mục tiêu. Đó là cách tiếp cận được thúc đẩy cụ thể bởi những mối quan tâm về an ninh quốc gia và quân sự. Động thái này không nhằm mục đích tác động đến nền kinh tế Trung Quốc hoặc người dân Trung Quốc".

Hôm 9/11, khi thảo luận về một cuộc gặp tiềm năng với Chủ tịch Tập, Tổng thống Biden cho biết ông dự định đặt ra "ranh giới đỏ của mỗi bên, từ đó xác định xem chúng có xung đột với nhau hay không".

Tổng thống nói thêm: "Và nếu trong trường hợp như vậy, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết".

Tổng thống Biden cũng đề cập đến vấn đề Đài Loan, vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm nhất làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Căng thẳng về vấn đề này đã tăng vọt vào tháng 8 khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo, ngay sau đó Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc tập trận lớn và đình chỉ hợp tác song phương với Mỹ trong một số vấn đề chính.

"Học thuyết Đài Loan không hề thay đổi ngay từ đầu", Tổng thống Biden cho biết hôm 9/11. "Vì vậy, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận về Đài Loan. Và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận về một số vấn đề khác".

Hôm 10/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận rằng nhóm của ông Biden và ông Tập đang "liên lạc" về việc lên kế hoạch cho một cuộc họp.

"Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ là nhất quán và rõ ràng", ông Triệu nói. "Chúng tôi cam kết tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi với Mỹ. Đồng thời, chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình".

Đối với câu hỏi về Đài Loan, ông Triệu nói rằng "vấn đề trọng tâm là các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và rằng "nguyên tắc Một Trung Quốc là nền tảng chính trị cho quan hệ Trung Quốc-Mỹ".

"Mỹ nên ngừng thay đổi nguyên tắc Một Trung Quốc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác", ông nói thêm.

Ông Triệu cũng khẳng định rằng hai nước cần nỗ lực cải thiện quan hệ song phương về thương mại và kinh tế, cáo buộc Washington đang chính trị hóa vấn đề.

Ông nói: "Các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là đôi bên cùng có lợi. Mỹ nên ngừng sử dụng các vấn đề kinh tế và thương mại như một công cụ chính trị hoặc biến chúng thành vấn đề ý thức hệ. Thay vào đó, Mỹ nên có những hành động cụ thể để duy trì các quy tắc của nền kinh tế thị trường và hệ thống thương mại quốc tế".

Ông nói thêm: "Trung Quốc luôn ủng hộ quan hệ đối tác toàn diện, không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào và từ chối ép buộc các quốc gia phải lựa chọn bên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem