Tổng vốn hóa trên HoSE tương đương 57% GDP

Quốc Hải Thứ hai, ngày 20/07/2020 12:50 PM (GMT+7)
Sau 20 năm thị trường khoán Việt Nam chính thức hoạt động, đến nay đã có 23 doanh nghiệp đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HoSE. Đặc biệt, tổng mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước và tương đương 57% GDP…
Bình luận 0

Hôm nay 20.7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) kỷ niệm 20 năm thành lập - đánh dấu sự ra đời của thị trường giao dịch chứng khoán (TTCK) tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Sau 20 năm, tổng vốn hóa trên HoSE chiếm hơn một nửa GDP - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về dự kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Ảnh: M.Thư)

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thị trường chứng khoán là "phong vũ biểu" của nền kinh tế; là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường, với vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên thông với các thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. 

Vì vậy, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán được xác định là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển KTXH 1996-2000 được Đại hội Đảng lần thứ VIII thông qua.

Cách đây đúng 20 năm, ngày 20/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam với Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM đã ra đời ngay chính tại địa điểm này của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, vừa là trung tâm, vừa là đầu tàu kinh tế phát triển năng động, sáng tạo với định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính, tiền tệ của cả nước và mang tầm khu vực, quốc tế.

Hai mươi năm qua đã minh chứng một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ một trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay, chúng ta đã có tới hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch với giá trị vốn hóa trên 4 triệu tỷ đồng, tương đương với 65% GDP.

trong đó Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM khẳng định vị trí khởi nguồn và đầu tàu, chiếm gần 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường và là nơi tập trung niêm yết của hầu hết các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, chúng ta đã phát triển mạnh thị trường trái phiếu Chính phủ với quy mô 20% GDP, hỗ trợ đắc lực huy động vốn cho NSNN và được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển tốt nhất khu vực. Thị trường chứng khoán phái sinh, dù mới ra đời hơn 2 năm, nhưng cũng hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển.

"Chúng ta rất tự hào, thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ đã kiên cường vượt qua mọi thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu, đặc biệt là trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong thời gian gần đây và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực" - Thủ tướng nói.

Trong giai đoạn phát triển "bình thường mới" của đất nước, với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu nặng nề nhất từ sau đại suy thoái 1929-1933. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công dịch bệnh. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, cần tận dụng hiệu quả cơ hội "có một không hai" này để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước và các luồng luân chuyển vốn trong khu vực, toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tài chính rất lớn cho đầu tư phát triển, cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng chỉ rõ, yêu cầu đặt ra đối với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá cả về quy mô, chất lượng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu; qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, phát triển thịnh vượng trong 15-20 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Sau 20 năm, tổng vốn hóa trên HoSE chiếm hơn một nửa GDP - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về dự, đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Ảnh: M.Thư)

Hiện tại, sau 20 năm phát triển, vốn hóa TTCK đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50% mỗi năm. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng vốn hóa TTCK đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng, bằng 104% GDP năm 2019. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỷ đồng và vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 2.300 tỷ đồng... Riêng vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước và tương đương 57% GDP.

Ước tính tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay khoảng 30,6%, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.

Bên cạnh đó, nếu năm 2000, TTCK mới có khoảng 3.000 tài khoản nhà đầu tư tham gia và chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân thì đến hết tháng 5.2020, TTCK đã có 2,46 triệu tài khoản nhà đầu tư trên thị trường, gấp 820 lần năm 2000, trong đó có 16.000 tài khoản nhà đầu tư tổ chức và gần 36.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài...

Có đến 10 ngân hàng nằm trong danh sách 23 doanh nghiệp tỷ USD trên HoSE

Theo thống kê của HoSE, trong 23 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD đa phần thuộc nhóm tài chính - ngân hàng (10 ngân hàng) và bất động sản. Tổng vốn hóa của các doanh nghiệp này chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HoSE.

Cụ thể, việc phân chia theo các ngành, lĩnh vực chiếm tỉ lệ trọng yếu, giá trị vốn hóa cụ thể như sau: Tài chính, ngân hàng ( vốn hóa 953.804 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 29,08%); Bất động sản (894.348 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,26%); Công nghiệp (280.548 tỷ đồng, tỷ lệ 8,55%); Tiêu dùng thiết yếu (509.546 tỷ đồng; tỷ lệ 15,53%); Nguyên vật liệu (121.403, tỷ lệ 3,7%); và Ngành, lĩnh vực còn lại (519.961 tỷ đồng; tỷ lệ 15,86%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem