TP Hồ Chí Minh: Làm gì để xe buýt tiếp tục phát triển

S.Nâu Thứ tư, ngày 15/10/2014 11:00 AM (GMT+7)
Ngày 15.10.2014, được sự tài trợ của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Báo SGGP phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Công ty TNHH Truyền thông S.A tổ chức buổi tọa đàm: “Làm gì để xe buýt tiếp tục phát triển?” với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các chuyên gia và gần 20 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Bình luận 0
THỰC TRẠNG VẬN TẢI XE BUÝT Ở TPHCM

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2014 nhưng dự báo, nếu không có đột phá, hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM khó hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển hành khách của cả năm 2014. Mục tiêu năm 2014 của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM: chuyên chở được 650 triệu lượt hành khách, đáp ứng cho khoảng 10,85% nhu cầu đi lại của người dân trong đó xe buýt đảm nhận cung ứng 7,34% nhu cầu, còn lại là xe taxi.   

Thế nhưng, không chỉ năm 2014, hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM mới gặp khó…. Bắt đầu từ năm 2007 khối lượng hành khách vận chuyển được của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM, đặc biệt là xe buýt đã bắt đầu tăng một cách…chậm chạp, thậm chí, nhiều năm sản lượng đạt được còn thua cả năm trước đó. Nếu như năm 2007 xe buýt TPHCM chở được 296,23 triệu lượt hành khách/năm, năm 2008 tăng một chút: chở được 342,49 triệu lượt hành khách thì năm 2009 bắt đầu giảm, chỉ chở được 342,10 triệu lượt. Năm 2010 tăng trở lại với 364,76 triệu lượt nhưng năm 2011 lại giảm với 358,05 triệu lượt. Năm 2012 tăng so với năm 2011 với sản lượng đạt 413,14 triệu lượt hành khách song qua năm 2013 con số lại tụt xuống còn 411,20 triệu  lượt hành khách.

Tính chung cho cả giai đoạn 2011-2015, nhiều chuyên gia vận tải đã e ngại rằng năm 2015 sản lượng hành khách chuyên chở được của cả hệ thống vận tải hành khách công cộng bao gồm cả xe buýt và taxi đạt khoảng 707 triệu lượt hành khách, chỉ đáp ứng được khoảng 11,5% nhu cầu đi lại của người dân thay vì 15% như mục tiêu được xác định trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 của UBND TPHCM. Trong đó “đối tượng” chính làm cho khối vận tải hành khách công cộng khó đạt được mục tiêu là xe buýt. Xe taxi, nếu được chấn chỉnh thêm về chất lượng phục vụ, có thể đạt kế hoạch. Theo những nội dung cơ bản trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 của UBND TPHCM, trong mục tiêu đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân của khối vận tải hành khách công cộng thành phố, xe buýt được “phân vai” đáp ứng 11% và xe taxi là 4%. Trong số 11,5% dự kiến thực hiện được của năm 2015, xe buýt ước chỉ đáp ứng được 7,5%, còn lại là taxi.

img

 

HAI NHÓM GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN XE BUÝT

Tại buổi tọa đàm, Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất hai nhóm giải pháp nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng tại TPHCM từ nay đến 2025. Nhóm thứ nhất có tên là “đẩy” bao gồm: thực hiện chính sách hạn chế xe cá nhân bằng cách tăng phí trước bạ đăng ký xe, tăng thuế, thu phí xe cá nhân lưu thông, đậu xe..; tái cấu trúc đô thị và không gian kinh tế bằng cách phát triển các trung tâm cấp khu vực, giữ cho vỉa hè thông thoáng, xây dựng trạm dừng, nhà chờ xe buýt hợp lý…. Nhóm giải pháp thứ hai có tên là “kéo” bao gồm: đổi mới phương tiện vận chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến cho hợp lý hơn; xây dựng bến bãi, trạm trung chuyển xe buýt; cải tiến công tác điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi đổi mới xe buýt, cho quảng cáo trên xe buýt để tăng thêm nguồn thu; tăng cường vận động người dân đi xe buýt; nhanh chóng hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến buýt nhanh (BRT), metro…
img 

Theo hai cơ quan trên, hiện nay “cạnh tranh” giữa xe cá nhân và xe công cộng (chủ yếu là xe buýt) đang diễn ra rất quyết liệt. Do đó, hai nhóm giải pháp trên phải được thực hiện đồng bộ, trong đó xác định một số giải pháp có thể triển khai thực hiện ngay như giữ cho vỉa hè thông thoáng, xây dựng bến bãi, trạm dừng xe buýt…và một số giải pháp mang tính lâu dài như tái cấu trúc đô thị, đầu tư các tuyến metro.Với các giải pháp có tính lâu dài, cần chọn lọc thứ tự ưu tiên khi thực hiện.
Đề cập đến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận giao Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nghiên cứu sản xuất 300 xe buýt theo tiêu chuẩn quy định, sử dụng khí CNG làm nhiên liệu để phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của TPHCM. Trên thực tế, hiện nay TPHCM có gần 40 xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tất cả số xe này đều là xe nhập khẩu và việc giao cho Samco sản xuất 300 xe buýt chạy bằng khí CNG là thể hiện mong muốn của thành phố: từng bước đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô trong nước và dần thay thế toàn bộ số xe buýt chạy bằng xăng, dầu sang chạy bằng khí CNG.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem