TP.HCM: 40% vay tiêu dùng đổ vào bất động sản

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 11/08/2018 13:00 PM (GMT+7)
Vay tiêu dùng đang chiếm tỷ lệ khoảng 14% trong tổng dư nợ tín dụng 7 tháng đầu năm 2018 tại TP.HCM. Trong đó, có khoảng 40% trong cơ cấu vay tiêu dùng là đổ vào bất động sản, tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại bởi hệ số rủi ro rất thấp.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM tại hội thảo “Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và Triển vọng”, diễn ra sáng nay 11.8 tại TP.HCM.

img

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Tín dụng đổ vào bất động sản núp bóng vay tiêu dùng là có nhưng không đáng lo ngại (Ảnh: Quốc Hải)

Theo ông Minh, tính đến hết tháng 7.2018, hoạt động huy động vốn tại TP.HCM đạt 2 triệu 150 nghìn 600 tỷ đồng, tăng 7,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tổng dư nợ đạt 1 triệu 128 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đi sâu vào hoạt động tín dụng của ngân hàng tại TP.HCM thì phía NHNN thấy cơ cấu tín dụng khá hợp lý.

Cụ thể, trong tổng dư nợ 1 triệu 128 ngàn tỷ đồng (dư nợ trung và dài hạn chiếm 53%, ngắn hạn 47%) thì có khoảng 75% dành cho sản xuất kinh doanh, 10,8% dành cho bất động sản và khoảng 14% dành cho vay tiêu dùng. Như vậy, tín dụng bất động sản chiếm 10,8% trong tổng dư nợ, tức đạt khoảng 208 ngàn tỷ. Nếu so với con số đối chiếu 5 năm qua của NHNN thì bình quân dư nợ tín dụng mỗi năm sau cao hơn năm trước khoảng 11% (cao nhất 12,5%, thấp nhất 10,8%).

“Lâu nay, báo chí và các chuyên gia lo ngại tín dụng núp bóng vay tiêu dùng để đổ vào bất động sản có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, con số 40% vay tiêu dùng đổ vào bất động sản ấy đều là cho vay cá nhân để họ đầu tư nhà ở (ở hoặc cho thuê), đều có tài sản đảm bảo và hệ số rủi ro thậm chí còn thấp hơn so với việc các tổ chức tín dụng cho vay dự án”, ông Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, bên cạnh nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì nguồn vốn FDI, vốn kiều hối đổ về TP.HCM cũng khá quan trọng và đóng góp tích cực vào nguồn vốn, giảm áp lực cho ngân hàng.

“Kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây đạt khoảng trên dưới 5 tỷ USD. Trong đó, nguồn kiều hối này theo thống kê của NHNN thì đổ vào lĩnh vực bất động sản khoảng trên 21%. Như vậy, bình quân 1 năm có trên 1 tỷ USD đổ vào bất động sản. Đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, góp tích cực vào phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, ông Minh thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem