TP.HCM: Ba chợ đầu mối đóng cửa, thiết lập vùng đệm nhận hàng hóa

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 07/07/2021 10:03 AM (GMT+7)
Chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đều tạm đóng cửa do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. TP.HCM đang thiết lập vùng đệm nhận hàng, đưa hàng trực tiếp đến điểm bán không qua chợ đầu mối.
Bình luận 0

Thiết lập vùng đệm nhận hàng

Từ 8h sáng nay (7/7), chợ đầu mối Thủ Đức chính thức tạm dừng các hoạt động tập kết hàng hóa trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19. Từ giờ đến 20h cùng ngày, thương nhân phải vận chuyển hết hàng hóa ra khỏi khu vực chợ để tiến hành khử khuẩn.

Trước tình hình dịch phức tạp, trong liên tiếp hai ngày, chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức đều tạm đóng, như vậy, hiện TP.HCM không còn chợ đầu mối nào hoạt động. Ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 70% tổng lượng hàng hóa, thực phẩm các loại cho TP.HCM.

Ba chợ đầu mối đóng cửa, TP.HCM xử lý hàng hóa thế nào? - Ảnh 1.

Chợ đầu mối Thủ Đức tạm đóng cửa từ 8h ngày 7/7. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ngày 6/7, tổng lượng hàng hóa về các chợ đầu mối đạt 4.582 tấn, giảm 8% so với hôm trước. Trong đó, thịt gia súc, gia cầm giảm 2,7%, còn 248 tấn; thủy hải sản giảm đến gần 53%, còn 255 tấn; mặt hàng rau củ quả, trái cây giảm 2,3%, còn 4.079 tấn.

Nguyên nhân là sau khi có thông báo tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối Bình Điền kể từ 8h ngày 6/7, các thương nhân đã chủ động cân đối giảm lượng hàng nhập về chợ, trong đó, thủy hải sản giảm nhiều nhất, gần 53%.

Thực tế, kể từ khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa hôm 28/6, hàng hóa về các chợ đã giảm đáng kể. Trong khi đó, nửa đầu tháng 6, trung bình mỗi đêm, tổng lượng hàng hóa về các chợ này khoảng 7.600 - 7.800 tấn mỗi đêm.

Trước việc phải tạm ngưng toàn bộ ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đang tính toán thiết lập vùng đệm với tỉnh Tây Ninh để trung chuyển hàng hóa nhằm đảm bảo hàng được lưu thông vào TP những ngày tới.

Cụ thể, các đơn vị chức năng của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đã thống nhất bố trí vùng đệm trung chuyển để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Hàng hóa từ Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại 1 khu đất trống (diện tích khoảng 1ha), gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn và có phương án trung chuyển an toàn.

Sở Công TP.HCM đã đề nghị ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức nhanh chóng thực hiện việc lấy ý kiến, đăng ký lựa chọn phương án của các thương nhân và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để sớm triển khai thực hiện.

Đưa hàng về chợ truyền thống, bán online

Ngay khi các chợ đầu mối tại TP.HCM phải đóng cửa vì liên quan nhiều ca mắc Covid-19, Sở Công Thương TP đã gửi công văn đến 22 Sở Công Thương các tỉnh thành, đề nghị các địa phương thông báo đến thương nhân có kết nối bán hàng trực tiếp tại chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền.

Tạm dừng tập kết trực tiếp tại chợ đầu mối, Sở Công Thương TP.HCM khuyến khích các thương nhân tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến người mua tại điểm bán. Trước đây, các chợ đầu mối là nơi nhận hàng, sau đó phân phối về các chợ nhỏ lẻ. Trong lúc dịch phức tạp, cách thức này được khuyến khích để không đứt gãy nguồn cung.

Ba chợ đầu mối đóng cửa, TP.HCM xử lý hàng hóa thế nào? - Ảnh 3.

Phun khử khuẩn tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: BĐ.

Song song đó, các thương nhân cũng được khuyến khích chủ động trao đổi, thống nhất hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp như mua bán trực tuyến, điều phối, giao tận nơi cho khách hàng.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các quận, huyện, TP.Thủ Đức kết nối với các thương nhân, nhà cung cấp đang hoạt động tại chợ để cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly…

Cách thức này đã được thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn áp dụng kể từ khi chợ tạm ngưng hoạt động hôm 28/6. Đến nay, việc mua bán hàng hóa vẫn khá thông suốt.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương, khẳng định hiện nguồn cung hàng hóa trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Sở đang tiếp tục phối hợp các hệ thống phân phối lớn và các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có một số nơi phải tạm ngưng hoạt động, đồng thời phối hợp các hiệp hội ngành nghề phân phối hàng hóa đến các vùng cách ly, phong tỏa thông qua các chương trình siêu thị mini 0 đồng, chợ nghĩa tình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem