TP.HCM bắt đầu "ai ở đâu thì ở đó": Siêu thị hoạt động ra sao, người dân mua thực phẩm thế nào?

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 23/08/2021 10:32 AM (GMT+7)
Các hệ thống siêu thị tại TP.HCM đang khẩn trương kết hợp cùng quận huyện phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến người dân theo hình thức "đi chợ hộ".
Bình luận 0

Từ hôm nay, ngày 23/8, ngày đầu tiên TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện, nhằm hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà.

Siêu thị hoạt động thế nào?

Các hệ thống siêu thị cho biết từ hôm nay, vẫn hoạt động bình thường nhưng không bán trực tiếp mà kết hợp với địa phương để đưa hàng tận nhà người dân theo hình thức đi chợ hộ.

Đại diện Satra - doanh nghiệp vận hành hơn 100 cửa hàng thực phẩm Satrafoods và 3 siêu thị Satra Mart tại TP.HCM, cho biết vẫn mở cửa từ 7h đến 16h30 hàng ngày và doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" từ hôm nay.

TP.HCM bắt đầu "ai ở đâu thì ở đó": Siêu thị hoạt động thế nào, cần mua thực phẩm liên hệ ai? - Ảnh 1.

Các siêu thị không bán hàng trực tiếp không bán trực tiếp mà kết hợp với địa phương để đưa hàng tận nhà người dân theo hình thức đi chợ hộ. Ảnh: Hồng Phúc.

Về việc phân phối hàng hóa, theo vị này, doanh nghiệp sẽ kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thức "đi chợ hộ" của Tổ Covid-19 cộng đồng.

"Song song đó, chúng tôi cũng chủ động áp dụng phương thức bán hàng thiết yếu đặt trước hoặc chuẩn bị sẵn dưới dạng "combo" hay đơn hàng theo yêu cầu nhằm giúp cho người dân yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội", đại diện Satra nói.

Phía Aeon Việt Nam cho biết thêm, theo quy định mới, hai siêu thị Aeon Bình Tân và Tân Phú, sẽ tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, tin nhắn, các ứng dụng) kể từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới.

Doanh nghiệp cũng nhấn mạnh vẫn đang tiếp tục làm việc với Sở Công thương TP.HCM, đồng thời phối hợp với UBND quận Tân Phú và quận Bình Tân để hoàn tất các công tác chuẩn bị cho hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân

Riêng siêu thị Aeon Tân Phú, hiện doanh nghiệp đã đang làm việc với đại diện hai phường Sơn Kỳ và Tân Quý (quận Tân Phú) để chuẩn bị hàng hóa theo các đơn đặt hàng của từng tổ dân phố, phường theo tần suất và khu vực quy định. 

"Danh sách các combo hàng hóa dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân, đảm bảo đầy đủ thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ dùng sát khuẩn… sử dụng trong 2 tuần", đại diện Aeon Việt Nam nói thêm.

Các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ lớn tại TP.HCM cũng cho biết đã có phương án hoạt động và luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trong những ngày áp dụng các biện pháp giãn cách mới.

Ngoài thực hiện "3 tại chỗ", các điểm bán còn đảm bảo vệ sinh siêu thị, cửa hàng, châm hàng, nhận và sơ chế thực phẩm tươi sống… Các hệ thống cũng đang đang khẩn trương kết hợp Sở Công Thương để cung cấp giấy đi đường cho các nhân viên được giao nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian từ 23/8 - 5/9.

Người dân không ra khỏi nhà mua thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã có công văn khẩn liên quan cung ứng hàng hóa tại TP kể từ ngày 23/8. Lãnh đạo TP.HCM yêu người dân thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. 

Chính quyền địa phương bảo đảm các phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân, không để bất kỳ người dân nào không có điều kiện tiếp cận, cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.

TP.HCM bắt đầu "ai ở đâu thì ở đó": Siêu thị hoạt động thế nào, cần mua thực phẩm liên hệ ai? - Ảnh 3.

Với hình thức đi chợ hộ, nhân viên siêu thị lấy hàng theo nhu cầu của khách rồi giao tận nhà. Ảnh: SG.

Theo đó, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện thông qua phương thức đi chợ hộ do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Tổ dân phố…), lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất một lần một tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Để tổ chức cung ứng và bảo đảm lượng hàng hóa được vận chuyển vào thành phố, UBND TP.HCM yêu cầu mạng lưới cung ứng hàng hóa tăng cường thu mua, vận chuyển lương thực, thực phẩm về TP.HCM. 

Các hệ thống phân phối tại TP.HCM hiện có 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, còn có các điểm cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm; điểm bán hàng lưu động, các cơ sở chế biến lương thực thực phẩm; tiểu thương các chợ đầu mối tổ chức thu mua hàng hóa qua các vựa từ các tỉnh thành lân cận; doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm; các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử... 

UBND TP.HCM chỉ đạo các hệ thống, điểm bán hàng trên tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về TP trong thời gian tới.

Kế hoạch khẩn này cũng yêu cầu triển khai kế hoạch đồng bộ, tập trung, phát huy vai trò chủ động cao nhất của TP.Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, huy động nguồn lực từ công an, quân đội, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ… cùng tham gia phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem