TP.HCM: Chỉ số sản xuất và phân phối điện cao, sản xuất công nghiệp giảm

Phương Thảo Thứ sáu, ngày 12/07/2019 12:43 PM (GMT+7)
Ngược lại với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất và phân phối điện lại tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.
Bình luận 0

Sở Công thương TP.HCM vừa đưa ra đánh giá mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TPHCM. So với năm 2018, chỉ số này đã bị sụt giảm, chỉ đạt 7%.

Tính đến thời điểm hiện tại, sản xuất công nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực chủ lực của TP, đạt hiệu quả, ngành công nghiệp chế biến ước tăng 7,0%. DN sản xuất kim loại tăng 59,4%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 41,7%.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 8,7% - cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng của ngành điện lại là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp, kéo theo sự sụt giảm chỉ số IIP cục bộ một số ngành hàng.

Thực tế được các tổ chức hội trên địa bàn TP như Hội Cơ khí - Điện, Hiệp hội Dệt may, Da giày… cho thấy, với mức tăng giá điện 8,36%, lộ trình tăng đột ngột, dẫn đến chi phí sản xuất tăng.

img

Nhiều ngành công nghiệp bị sụt giảm sản lượng và lợi nhuận trong khi chỉ số phân phối và tiêu thụ điện tăng.

Trong khi đó, giá thành sản phẩm không tăng được do đã ký kết hợp đồng tiêu thụ từ trước, nên ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận bình quân của nhiều ngành chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, nhựa, sản xuất giày da, may mặc… giảm tới 5 – 10%.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế tại TP.HCM thì xu hướng giảm chỉ số sản xuất công nghiệp IIP nói chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp nói riêng sẽ còn tiếp tục trong những tháng tiếp theo của năm 2019.

Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn chi phối chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM sụt giảm nằm ở vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều vướng mắc, chưa thông thoáng, chưa được cải thiện, doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra các tỉnh lân cận.

Trước đó, UBND TP.HCM  đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019, UBND TP yêu cầu tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.

img

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 sụt giảm so với năm 2018.

Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh...

Yêu cầu các đơn vị coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của TP, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp trong ngành dệt may cho rằng: Trong thời gian qua, những bất ổn trong môi trường đầu tư của TP bộc lộ khá rõ nét, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mới chọn đầu tư ở các tỉnh lân cận mà không phải TP.HCM; doanh nghiệp cũ thì dịch chuyển... Chỉ có cải thiện môi trường đầu tư thì TP.HCM mới có sức hút và độ tăng trưởng bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem