TP.HCM: Cuối 2020, có thêm gần 5.000 căn hộ nhà ở xã hội

V.D Thứ tư, ngày 19/08/2020 11:10 AM (GMT+7)
Dự kiến đến cuối năm 2020, TP.HCM sẽ có thêm gần 5.000 căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) đang được thi công ở 5 dự án.
Bình luận 0

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về tiến độ xây dựng của các dự án căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn.

Cụ thể, đến hết tháng 6/2020, toàn thành phố có 5 dự án NƠXH đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Các dự án gồm: Khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do Công ty CP địa ốc Sông Đà An Nhân làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở xã hội – khu nhà ở thương mại tại khu đất chợ Bình Phú cũ, phường 10, quận 6 do Công ty TNHH Quản lý bất động sản Hoàng Phúc làm chủ đầu tư;

Khu nhà ở Bình Trưng Đông của Công ty Cổ phần tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân; Khu nhà ở Hưng Phát (2225 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8) do Công ty TNHH 27 Ngọc Long làm chủ đầu tư; Khu nhà ở xã hội thuộc dự án khu dân cư phương Tân Phú, quận 9 do Công ty Cổ phần dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thuận Kiều làm chủ đầu tư.

nhà ở xã hội

Đến cuối năm 2020, TP.HCM có thêm gần 5.000 căn hộ NƠXH.

Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.213 căn hộ gồm: Khu dân cư Lê Thành do Công ty TNHH Thương mại Lê Thành làm chủ đầu tư; dự án Tổ hợp nhà ở xã hội Tân Bình tại quận Tân Bình của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Tân Bình; khu căn hộ chung cư cao tầng Natural Poem do Công ty TNHH Lee&Co làm chủ đầu tư.

Theo Sở Xây dựng, luỹ kế giai đoạn năm 2016 -2020, TP.HCM hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 89,72 % kế hoạch của UBND TP.HCM.

Được biết, nhu cầu nhà ở xã hội đang thật sự rất lớn, song loại hình nhà này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung loại hình nhà ở này.

Rào cản lớn nhất với việc kêu gọi nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng nhà ở xã hội hiện nay đó là việc họ phải tự bỏ vốn để tìm quỹ đất và xây dựng nhưng lại không có sự hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi.

Mặc dù hiệu quả lớn như vậy, nhưng thực tế cấp vốn cho vay ưu đãi rất ít, dẫn đến chủ đầu tư và người mua nhà buộc phải vay với lãi suất thương mại, trả lãi cao.

Chi phí giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thường rất cao, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa tính đúng, tính đủ vào giá thành, khiến doanh nghiệp bị thiệt.

Mặc dù quy định có nhiều ưu tiên cho dự án nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, các dự án có quỹ đất hỗn hợp cũng bị vướng về thủ tục đầu tư xây dựng tương tự dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp…

Bên cạnh đó, một bất cập hiện nay đó là, một số dự án có quy mô trên 10ha đều đã xác định được quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chậm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên không thể triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem