TP.HCM đặt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân nông thôn: 8 năm nữa sẽ đạt 133 triệu đồng

Trần Cửu Long Thứ ba, ngày 04/10/2022 11:25 AM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU của Thành ủy về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Một mục tiêu đáng chú ý là phấn đấu tăng thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 133 triệu đồng/người/năm.
Bình luận 0

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ cấu kinh tế của các huyện ngoại thành TP.HCM chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, hàng năm huyện triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kế hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. 

Vận động nhà vườn tham gia phát triển, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất như: Nuôi tôm hữu cơ; nuôi tôm sú Moana; nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn; nuôi tôm VietGAP… Huyện còn phối hợp Sở Du lịch TP.HCM phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch, tuyến du lịch đường sông kết hợp ẩm thực...

Nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn TP.HCM: Mục tiêu đến 2030 đạt 133 triệu đồng - Ảnh 1.

Nông dân Củ Chi (TP.HCM) trồng ớt công nghệ cao. Ảnh: Trần Đáng

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ đã giúp khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị TP.HCM ngày càng thu hẹp dần qua các năm.

Đi cùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ cũng được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp tại khu vực nông thôn sang công nghiệp, dịch vụ. 

Giai đoạn 2009 - 2020, TP.HCM đào tạo nghề cho khoảng 89.800 lao động. Trong đó, hơn 87.300 người được hỗ trợ chính sách, 80% lao động sau học nghề có việc làm. Hơn 54.600 lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ), góp phần vào sự phát triển công nghiệp, dịch vụ ở khu vực ngoại thành.

Nhờ đồng bộ cách làm, khiến năng suất lao động khu vực nông thôn TP.HCM được cải thiện đáng kể: Năn 2008 đạt 33,8 triệu đồng/người, đến 2021 ước đạt 95,1 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2008 - 2020 là 8,2%.

Nông thôn tăng thu nhập

Với Chương trình hành động số 12 của Thành ủy, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng bình quân GRDP nông lâm thủy sản và tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành đạt 2%/năm; giá trị sản xuất đạt 900.000 - 1 triệu đồng/ha. 

Khả năng cung ứng nhu cầu các loại lương thực thực phẩm năm 2030 tăng 15% so với năm 2020; trong đó sản xuất tại thành phố đáp ứng gồm: Rau 624.299 tấn (28,7%), thịt lợn 30.000 tấn (8%), thịt gia cầm 1.000 tấn (0,3%). Thu nhập bình quân hộ nông dân đạt 133 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, TP.HCM tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất tập trung, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. 

Trong đó, tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống chịu hạn, mặn, úng. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem