TP.HCM đề nghị rà soát giá hàng bình ổn

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 06/08/2022 12:25 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM được đề nghị rà soát mức giá hàng hóa thiết yếu đang bán hiện nay, khi giá xăng đã giảm hơn 7.000 đồng/lít.
Bình luận 0

Sở Tài chính TP.HCM vừa đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường rà soát mức giá bán hàng hóa thiết yếu, khi giá xăng giảm liên tiếp 4 lần với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, tính từ tháng 7/2022 đến đầu tháng 8, diễn biến giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 4 đợt liên tiếp với mức giá bình quân đối với xăng là 7.270 đồng/lít, dầu diezen là 6.110 đồng/lít.

TP.HCM đề nghị rà soát giá hàng bình ổn - Ảnh 1.

Sở Tài chính TP.HCM vừa đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường rà soát mức giá bán hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Hồng Phúc

Sở Tài chính TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu) rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay, để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.

Việc này nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác điều hành giá, bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Theo yêu cầu của Sở Tài chính TP.HCM, trường hợp điều chỉnh giảm giá, doanh nghiệp phải có văn bản đăng ký giảm giá kịp thời gửi về Sở Tài chính TP.HCM. 

Trường hợp không điều chỉnh giảm giá, các doanh nghiệp có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để Sở Tài chính làm cơ sở xem xét điều chỉnh giá trong thời gian tới.

Vấn đề giá hàng hóa đang được người dân quan tâm bởi giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá hàng hóa vẫn đứng yên. Trong khi đó, thời gian qua, giá nhiều mặt hàng đều tăng, các doanh nghiệp và người bán đều cho biết giá hàng tăng vì giá xăng tăng, nhưng khi xăng giảm, giá hàng vẫn không chịu giảm theo.

TP.HCM đề nghị rà soát giá hàng bình ổn - Ảnh 3.

Theo doanh nghiệp sản xuất, giá hàng vẫn cao do giá nguyên liệu vẫn cao, giá xăng chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu ggiá thành. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhận định nhiều doanh nghiệp trong hội tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM nên việc điều chỉnh tăng giá đều phải theo quy định. 

Tuy nhiên, với một số sản phẩm không tham gia bình ổn, do sức ép của thị trường, đặc biệt là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào, khiến doanh nghiệp cân nhắc.

Theo ông Dũng, với các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm, giá xăng chỉ là một yếu tố đầu và chiếm phần nhỏ trong cấu thành giá. Trong khi đó, giá nguyên liệu chiếm cấu thành lớn thì thời gian qua, giá vẫn neo cao. Nguyên nhân là sản xuất trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng giá xăng giảm liên tiếp, trước mắt sẽ giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa và kỳ vọng khi có sự vào cuộc của Chính phủ, có sự đồng bộ của các bộ ngành, giá các mặt hàng sẽ giảm trong thời gian tới.

Xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng tăng giá

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.

Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường được yêu cầu chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước giám sát, quản lý, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Đồng thời, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem