TP.HCM: Doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài lo ngại sản xuất đình trệ, mất dòng vốn FDI

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 20/08/2021 17:09 PM (GMT+7)
Tại buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP.HCM ngày 20/8, đại diện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiệp hội nước ngoài lo ngại tình trạng giãn cách kéo dài khiến hoạt động sản xuất đình trệ, công nhân gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0
TP.HCM: Doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài lo ngại sản xuất đình trệ, mất dòng vốn FDI - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp, hiệp hội đã bày tỏ khó khăn với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Huyền Mai

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Là một đô thị đặc biệt, quy mô kinh tế lớn, dân số đông nên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 TP có khả năng âm thay vì dương như năm 2020. Rất nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành GRDP cũng khó đạt được kế hoạch đặt ra. Tất cả các ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và có chiều hướng giảm sâu so với cùng kỳ.

Hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm. "Nếu chúng ta không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn", Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP vẫn đang diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh mỗi ngày và số lượng ca phát hiện trong cộng đồng vẫn còn ở mức rất cao (trên 3.000 ca mỗi ngày). Cả hệ thống chính quyền cùng với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài và người dân TP đang nỗ lực, tận dụng từng ngày, từng giờ để thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có 86% người lao động đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, đang áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho 1.870 người lao động. Chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng. Nếu tính tới ngày 15/9, con số trên có thể tăng gấp đôi.

Intel cũng mong sau ngày 15/9, TP.HCM sẽ dừng giãn cách khi tình hình sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn. Theo bà Uyên, sau 30 năm Việt Nam thành công thu hút nhiều vốn FDI, mùa dịch này khiến lãnh đạo Intel lo lắng rất lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài.

Cùng quan điểm, Công ty Jabil Việt Nam cho biết, nhiều đối tác đã chuyển đơn đặt hàng sang một số nước khác như Trung Quốc, Singapore... khi Jabil Việt Nam không đáp ứng được tiến độ. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công ty sẽ phải thu hẹp hoạt động tại Việt Nam.

Jabil Việt Nam cũng đang áp dụng "một cung đường, hai địa điểm" cho 2.500 lao động. Chi phí mỗi tháng cho mô hình này khoảng 120 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30% nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng.

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vắc xin; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vắc xin.

Hiệp hội Thương mại Châu Âu đề xuất sửa đổi mô hình "3 tại chỗ"; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Đức, Hiệp hội kiến nghị chỉ áp dụng hình thức 3 tại chỗ tối đa 4 tuần; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà); ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.

TP.HCM: Doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài lo ngại sản xuất đình trệ, mất dòng vốn FDI - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất; thực hiện lệnh tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.

Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.

TP.HCM: Doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài lo ngại sản xuất đình trệ, mất dòng vốn FDI - Ảnh 4.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Đức. Ảnh: Huyền Mai

Riêng Hiệp hội doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa TPHCM và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

Trước những chia sẻ này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sở, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp thu các kiến nghị mà các doanh nghiệp và hiệp hội vừa nêu. Đây sẽ là những giải pháp chung tay ứng phó khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem