TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu dự án Vành đai 4 vào tháng 3

Hồng Trâm Chủ nhật, ngày 19/02/2023 14:04 PM (GMT+7)
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của các sở ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM và báo cáo UBND TP.HCM vào đầu tháng 3.
Bình luận 0

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, sở đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu một số phương án tuyến không đi trùng với quy hoạch hướng tuyến của dự án nhằm giảm chi phí đầu tư.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM nêu 3 phương án hướng tuyến. Bao gồm: Phương án hướng tuyến 1: Cơ bản thực hiện theo hướng tuyến quy hoạch, đi trùng đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo... qua huyện Củ Chi. Trên thực tế, đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1km ở huyện Củ Chi có nhiều nhà cửa, công trình.

Tuy phương án có diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án cũng cao nhất, gần 17.792 tỷ đồng. Hiện trạng, khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu. 

TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu dự án Vành đai 4 vào tháng 3/2023 - Ảnh 1.

Đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6km. Ảnh: H.T

Phương án hướng tuyến 2 là nắn chỉnh một đoạn 9,7km về phía nam 0 - 160m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn tiếp 3,7km nắn về phía Nam 0 - 120m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu và đoạn còn lại trùng tim quy hoạch. Phương án tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư khi làm phương án 2 khoảng 13.803 tỷ đồng.

Phương án 3 là phương án khả thi nhất. Cụ thể sẽ nắn chỉnh một đoạn dài 14,7km về phía Nam 0 - 1.300m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Hướng tuyến tránh xa các đường hiện hữu nên số hộ dân di dời ít nhất.

Tuyến cắt ngang qua khu quy hoạch khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu, Sở GTVT TP.HCM chọn phương án 3 bởi hướng tuyến thẳng nhất, chiều dài con đường ngắn nhất. Chi phí đầu tư khoảng 13.631 tỷ đồng, thấp nhất so với các phương án còn lại và đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Như vậy, so về chi phí đầu tư, phương án 3 khi làm sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỷ đồng so với phương án 1. Phương án 3 cũng chỉ di dời 481 căn nhà, công trình, trong khi phương án 1 có 1.150 trường hợp, phương án 2 có 486 trường hợp. Bên cạnh đó, phương án này cũng thuận tiện kết nối vào 2 tuyến cao tốc (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành).

Ngoài 3 phương án về hướng tuyến nói trên, Sở cũng kiến nghị TP.HCM đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai nối TP.HCM - Long An (thuộc thẩm quyền triển khai của tỉnh Long An) để dự án được đồng bộ.

TP.HCM hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu dự án Vành đai 4 vào tháng 3/2023 - Ảnh 3.

TP.HCM nghiên cứu hướng tuyến mới làm đường Vành đai 4. Ảnh: H.T

Về việc trình phương án điều chỉnh hướng tuyến, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết thời gian qua, đơn vị cùng với các sở ban ngành thành phố đánh giá các phương án về hướng tuyến dự án cao tốc Vành đai 4 TP.HCM, sau đó mới thống nhất bổ sung các hướng tuyến mới. Mỗi phương án đều có ưu nhược điểm. Do vậy, phương án nào tối ưu nhằm giảm chi phí đầu tư, bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thì ưu tiên xem xét.

Trước đó tháng 12/2022, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với đại diện UBND huyện Củ Chi và các sở ban ngành, đơn vị có liên quan.

Sau khi nghe báo cáo của đại diện Liên danh Tư vấn cùng ý kiến của đại diện các đơn vị dự họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có kết luận cuộc họp và đề nghị đơn vị Liên danh Tư vấn cung cấp ngay thông tin, file dữ liệu cụ thể (Autocad) theo tọa độ VN2000 các phương án tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM (đoạn trên địa bàn huyện Củ Chi) để Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi có cơ sở rà soát, nghiên cứu và có ý kiến góp ý.

Từ đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND huyện Củ Chi có cơ sở rà soát, nghiên cứu và có ý kiến góp ý. Sở GTVT TP cũng đề nghị UBND huyện Củ Chi hỗ trợ, bố trí buổi làm việc với đơn vị Liên danh Tư vấn và sở ngành, đơn vị liên quan để có ý kiến góp ý cụ thể đối với các phương án tuyến.

Đồng thời, Liên danh Tư vấn và UBND huyện Củ Chi cần hỗ trợ khái toán kinh phí giải phóng mặt bằng đối với các phương án tuyến, cung cấp thông tin về quỹ đất, quỹ nhà tái định cư.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của sở ngành, đơn vị liên quan và các thông tin liên quan dự án do UBND huyện Củ Chi cung cấp, đơn vị Liên danh Tư vấn được giao nghiên cứu, đề xuất thêm phương án tuyến đi trên cao theo hướng tuyến quy hoạch được duyệt, nghiên cứu đề xuất phương án khai thác quỹ đất dọc tuyến và hoàn chỉnh các phương án tuyến (lưu ý bình đồ các phương án tuyến phải được thể hiện trên bình đồ theo tọa độ VN2000, thể hiện phương án các nút giao trên tuyến) gửi về Sở GTVT TP.HCM trong tháng 2.

Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý kiến để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.HCM và báo cáo UBND TP vào đầu tháng 3 tới đây.

Đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6km đi qua địa bàn các địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Đường Vành đai 4 qua địa phận TP.HCM đi qua 2 huyện Củ Chi và Nhà Bè. Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem