TP.HCM: Học sinh làm dự án, thuyết trình nhóm… thay bài kiểm tra

Thuận Hải Thứ ba, ngày 17/09/2019 16:48 PM (GMT+7)
Thay vì phải làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học sinh TP.HCM có thể được đánh giá thông qua các dự án, bài thuyết trình, thái độ học tập hay vở ghi chép… Các hình thức này vừa giảm áp lực thi cử vừa tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh.
Bình luận 0

Đây là những nội dung về thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019 - 2020 do Sở GDĐT TP.HCM vừa gửi các đơn vị trực thuộc.

Đa dạng hình thức kiểm tra

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá khác nhau thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Cụ thể, nhà trường thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức như quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập…

img

Học sinh trung học ở quận 8, TP.HCM, tham gia hoạt động trải nghiệm. Đây là một trong những hoạt động có cho điểm và đánh giá năng lực của học sinh. Ảnh: H.HG.

Cô Lại Thị Thắm - phụ trách chuyên môn, Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, từ năm học 2018-2019, nhà trường đã áp dụng nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh ở một số môn như Vật lý, Sinh học, Ngữ Văn, Hóa học, Tiếng Anh…

Nhà trường cũng cho học sinh làm bài trực tuyến, hoặc ở một số môn học, học sinh lên kế hoạch và thực hiện các dự án về môi trường, các dự án theo phương pháp STEM… cũng được sử dụng thay cho bài kiểm tra.

Đối với môn Toán, riêng khối 12, học sinh được ưu tiên học theo chủ đề để chuẩn bị cho kỳ thi THPT, còn với học sinh lớp 10, 11, các em vẫn được thực hiện một số hoạt động ngoại khóa nhằm áp dụng kiến thức giáo khoa vào cuộc sống. Các thầy cô giáo sử dụng kết quả ngoại khóa này để đánh giá xếp loại cho học sinh.

“Năm nay, nhà trường phát động kỳ thi giáo viên dạy giỏi, các thầy cô sẽ lập các dự án để học sinh cùng tham gia. Sau đó, nhà trường sử dụng các dự án này để tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi ở Sở, đồng thời, làm căn cứ đánh giá đối với các học sinh tham gia dự án”, cô Thắm cho biết.

Phát huy khả năng cá nhân của học trò

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc đổi mới các phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh là điều cần thiết, giúp không khí lớp học bớt căng thẳng hơn so với những bài kiểm tra truyền thống.

Việc đổi mới hình thức đánh giá, đa dạng cách đánh giá cũng giúp giáo viên và học sinh có thêm những trải nghiệm, có cơ hội thể hiện mình hơn trong học tập.

img

Cô giáo Huyền Thảo và học sinh trong giờ học Lịch sử. 

“Một bài thuyết trình đòi hỏi các em cả kỹ năng và kiến thức, thậm chí là rất nhiều kỹ năng nữa là khác, giúp các em thấy được điểm mạnh và yếu của bản thân. Còn bài kiểm tra tri thức qua bài viết như cũ chỉ đánh giá được tri thức đạt được sau mỗi bài học và học phần”, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo nhận định.

Việc đổi mới hình thức kiểm tra cũng phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục theo chương trình mới của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, theo cô Huyền Thảo, việc vận dụng nhiều hình thức kiểm tra vào dạy và học cũng có những điểm cần lưu ý, đặc biệt, giáo viên cần “có tâm” và biết linh động trong việc đánh giá học sinh.

“Các hình thức kiểm tra như sử dụng bài thuyết trình, các dự án làm việc nhóm… nếu không có tiêu chí cụ thể, giáo viên không hướng dẫn học sinh thì rất dễ dẫn đến đánh giá theo cảm tính”, cô Huyền Thảo nhận định.

img

Đa đạng các hình thức kiểm tra giúp học sinh hào hứng hơn trong học tập, nghiên cứu. Ảnh: SGGP

Riêng ở môn Lịch sử, dù là môn học từ lâu được đánh giá là nhiều lý thuyết, dữ liệu… nhưng ở lớp của cô Huyền Thảo, học sinh được sử dụng các bài thuyết trình, kết quả làm việc nhóm, đánh giá kỹ năng phản biện, thái độ và cách ứng xử của học sinh khi thuyết trình và nhận câu hỏi phản biện... thay cho các bài kiểm tra kiến thức khô khan. Học sinh được đánh giá xếp loại qua làm việc dự án, làm báo cáo từ các chuyến học thực tế, bài sưu tầm và sản phẩm do các em thực hiện như một đề tài nghiên cứu.

Hay như ở Trường THPT Nguyễn Du, từ năm học 2018 - 2019, học sinh được thi giữa học kỳ 2 bằng bài thi đánh giá năng lực, được thao tác trên máy tính và biết kết quả kiểm tra ngay sau khi làm bài.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) thông tin rằng, trong học kỳ 2 năm học 2018 - 2019, trường thực hiện kiểm tra giữa học kỳ 2 bằng thi đánh giá năng lực cho 8 môn. Học sinh tỏ ra thích thú với các bài kiểm tra này.

“Năm nay, nhà trường cũng có thêm nhiều hình thức dạy và học mới, tạo không khí sôi nổi trong lớp học và giúp học sinh phát huy được khả năng của bản thân”, thầy Phú chia sẻ.

Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu các trường không kiểm tra liên tục, thường xuyên và không tăng số lượng bài kiểm tra quá mức quy định để tránh gây áp lực học tập căng thẳng lên học sinh. Tổ bộ môn các trường cần tăng cường tổ chức chuyên đề nhằm hướng dẫn học sinh tự học, thực hiện các nhiệm vụ học tập theo các hình thức dạy học do nhà trường triển khai. Bố trí, sắp xếp thời lượng để hướng dẫn học sinh đọc sách, tài liệu học tập, hình thành văn hóa đọc và phương pháp đọc khoa học cho học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem