TP.HCM: Không chỉ thực phẩm, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng vọt

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 07/11/2021 09:54 AM (GMT+7)
Không chỉ thực phẩm, giá nhiều loại hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu đều đã tăng. Nhiều siêu thị nhận được đề nghị tăng giá bán của các nhà cung cấp.
Bình luận 0

Không chỉ giá rau củ quả tăng mà giá nhiều mặt hàng tiêu dùng quen thuộc vài ngày qua cũng đã nhích dần, neo ở mức giá mới.

Giá hàng thiết yếu tăng

Vừa than với ông chồng giá xăng, giá gas, giá rau xanh đều tăng sau khi TP.HCM "mở cửa" thì bà Phạm Thanh Hương (ngụ quận Bình Thạnh) lại càng đau đầu hơn khi tiệm tạp hóa sát nhà báo dầu ăn, đường, bột ngọt các loại cũng tăng giá. Mỗi loại như vậy tăng từ 5.000 - 7.000 đồng mỗi kg hoặc lít. Có loại tăng sốc đến 10.000 đồng.

Không chỉ thực phẩm, giá hàng thiết yếu cũng tăng vọt - Ảnh 1.

Giá dầu ăn đang khiến nhiều bà nội trợ phải đau đầu vì liên tục tăng. Ảnh: Hồng Phúc.

"Nhà ở kế chợ Bà Chiểu nên tôi thường xài hết cái nào mới đi mua cái nấy, chứ không trữ nhiều. Nếu so với hồi tháng 5, tức trước đợt giãn cách 4-5 tháng, đường nay 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng. Dầu ăn gần 50.000 đồng/lít. Hạt nêm các loại cũng tăng luôn", bà Hương nói.

Đáng chú ý, bà nội trợ này cho hay, bà chủ tiệm tạp hóa thông báo có thể ít ngày nữa, giá dầu ăn sẽ nhích tăng thêm vài nghìn đồng mỗi lít, do đại lý họ "nhắn trước". Bà mua luôn bình dầu ăn 5lít, đường cũng hay dùng nên mua luôn 5kg để tiết kiệm sau dịch.

Khảo sát của Dân Việt cũng cho thấy, giá nhiều loại hàng tiêu dùng quen thuộc, đặc biệt là dầu ăn, đường, bột ngọt, hạt nêm… những ngày qua đã bắt đầu tăng, trong đó, điển hình nhất là dầu ăn.

Với chai thể tích 1lít, thương hiệu dầu ăn dầu ăn Neptune có giá khoảng 52.000 đồng, dầu ăn Happy Koki 40.000 đồng, dầu ăn Simply 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 47.000 đồng, cá biệt, có nơi bán dầu ăn Tường An loại chai 1lít đến 54.900 đồng.

Không chỉ thực phẩm, giá hàng thiết yếu cũng tăng vọt - Ảnh 3.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn khi giá nhiều loại thực phẩm, hàng thiết yếu đều tăng. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân năm 2020.

Tính riêng chỉ số giá tiêu dùng tháng 10, có 4 nhóm giảm so với tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông.

Trong tháng 10, giá các mặt hàng này giảm vì khi TP.HCM chấm dứt việc giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, nguồn cung tăng do khâu vận chuyển hàng hóa không còn bị gián đoạn như trước đây. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11, nhiều mặt hàng đã tăng trở lại. Giá gas trong kỳ điều chỉnh gần đây lên khoảng nửa triệu đồng mỗi bình 12kg cũng khiến nhiều nhà hàng, quán ăn rục rịch tăng giá.

Nhà cung cấp đề nghị siêu thị tăng giá

Theo các doanh nghiệp sản xuất, sau khó khăn lịch sử do đợt dịch vừa qua, hầu hết giá nguyên liệu đầu vào đều đã tăng từ 10-30% so với trước đây. 

Điều này khiến doanh nghiệp gặp áp lực rất lớn, không chỉ đối với sản phẩm lõi mà ngay cả giá bao bì cũng tăng. Mới đây, việc đi lại thuận lợi hơn thì một bài toán nan giải chắn ngay trước mắt là giá xăng vọt tăng lên 23.000-24.000 đồng/lít.

Không chỉ thực phẩm, giá hàng thiết yếu cũng tăng vọt - Ảnh 4.

Giá nhiều mặt hàng tươi sống sau giãn cách vẫn còn neo khá cao và đang có dấu hiệu tăng lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, mọi chi phí sản xuất đều tăng, từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng đến lương nhân công, chi phí giao hàng. Trong khi đó, sức mua của người dân ở kênh chợ truyền thống lẫn siêu thị đều giảm mạnh. Theo ông, giá các nguyên liệu tăng, trong khi sức mua thấp đang khiến doanh nghiệp khó khăn xoay xở, nhất là mùa kinh doanh cuối năm.

Các hệ thống siêu thị lớn xác nhận với Dân Việt rằng một số nhà cung cấp đã gửi yêu cầu được tăng giá do đứng trước áp lực lớn về giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu, chi phí vận chuyển đồng loạt tăng.

Đại diện Saigon Co.op cho biết theo quy luật thị trường, khi có biến động về giá đầu vào thì một số nhà cung cấp sẽ gửi thư đề nghị tăng giá. 

Tuy nhiên, theo vị này, hiện doanh nghiệp chưa đồng ý các đề xuất để hỗ trợ người tiêu dùng sau giãn cách.

"Để tăng giá, chúng tôi luôn có lộ trình. Thứ nhất, anh phải chứng minh được tăng giá là hợp lý. Nếu hợp lý mới đưa vào lộ trình, còn không hợp lý thì bỏ ngay từ đầu. Chủ trương của chúng tôi là mong muốn từ đối tác từ lớn đến nhỏ chia sẻ, giữ giá bình ổn để góp phần an sinh xã hội", đại diện Saigon Co.op nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem