TP.HCM lên kế hoạch chi gần 96.000 tỷ đồng để phát triển ngành logistics

Quang Phương Thứ sáu, ngày 04/12/2020 07:46 AM (GMT+7)
UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhu cầu nguồn vốn gần 96.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Quyết định phê duyệt đề án trên trên do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký ngày 2/12. Tổng nhu cầu nguồn vốn để thực hiện đề án này là gần 96.000 tỷ đồng.

Đề án đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%.

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 – 15%.

TP.HCM đầu tư gần 96.000 tỉ đồng để phát triển ngành logistics đến năm 2030 - Ảnh 1.

Tàu thuyền và hàng hóa tại Cảng SPCT tại KCN Hiệp Phước

Đề án đề ra nhiều giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics ở cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy...

Về đường sắt, đề án đề xuất Bộ GTVT nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.

Đồng thời đề xuất xây dựng mới năm tuyến đường sắt. Đầu tiên là tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga An Bình (Cần Thơ).

Tuyến thứ 2: TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp.

Tuyến thứ: Thủ Thiêm – Cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm.

Tuyến thứ 4: tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP.HCM - Nha Trang.

Tuyến thứ 5: tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An.

Về lĩnh vực đường bộ, đề án đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện các tuyến cao tốc giai đoạn 2020 - 2025: TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành. Hoàn chỉnh nút giao thông Mỹ Thủy - cảng Cát Lái nhằm kéo giảm kẹt xe.

Đến năm 2030, cần đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường: Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước); Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh); Khép kín đường Vành đai 2 và triển khai xây dựng đường Vành đai 3 và 4…

Về linh vực đường thủy, đề án đặt ra việc tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP.HCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái. Nạo vét luồng sông Soài Rạp -11.5m để tàu thuyền có thể hành hải an toàn.

TP.HCM đầu tư gần 96.000 tỉ đồng để phát triển ngành logistics đến năm 2030 - Ảnh 3.

Vị trí các trung tâm logistics được đề xuất

Đáng chú ý, đề án đề xuất thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 vị trí, gồm: Long Bình, Cát Lái, Khu công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (Q.Thủ Đức), Tân Kiên (H.Bình Chánh), Hiệp Phước (H.Nhà Bè) và tại H.Củ Chi với tổng diện tích giai đoạn 2025 – 2030 đạt khoảng 270 – 623 ha.

Được biết, TP.HCM có hơn 1.500 kho hàng nhưng phần lớn phát triển tự phát, quy mô không đồng đều, khai thác chưa hiệu quả, vận hành không chuyên nghiệp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem