TP.HCM liên tiếp ngập nặng - các dự án chống ngập đang ở đâu?

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 12/09/2020 13:00 PM (GMT+7)
Sau cơn mưa bất ngờ chiều 11/9, hàng loạt khu vực của TP.HCM ngập nặng, nhiều nhà dân bị nước tràn vào ngập gần 1m...
Bình luận 0
TP.HCM liên tiếp ngập nặng – các dự án chống ngập đang ở đâu? - Ảnh 1.

Cứ mưa lớn là nhiều khu vực của TP.HCM ngập nặng, kể cả khu trung tâm.

Mưa lớn là ngập

Các tuyến đường như Tô Ngọc Vân, Linh Đông, Võ Văn Ngân, tỉnh lộ 43 (quận Thủ Đức), Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp)… bị ngập nặng. Người dân phải bì bõm lội nước.

Tại đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) đoạn từ đường Phạm Văn Đồng về đường Linh Đông, mưa lớn khiến đường ngập sâu, có đoạn ngập đến yên xe máy. Đặc biệt tại đường Linh Đông, nước ngập gần nửa mét, xe cộ "chôn chân" 2 bên đường gây ùn tắc cục bộ.

Chỉ trước đó hơn 1 tuần, cơn mưa lớn ngày 6/9 cũng khiến hàng loạt khu vực của TP.HCM ngập nặng, thậm chí ngay tại các quận trung tâm cũng chìm trong biển nước.

Trước thực trạng ngập có dấu hiệu gia tăng, từ tháng 6, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch này, quy mô thoát nước sẽ được mở rộng gấp 3 lần so với quy hoạch được duyệt từ năm 2001. 

Cụ thể, thành phố sẽ mở rộng phạm vi chống ngập ở 23 quận, huyện (trừ Cần Giờ) thay vì chỉ tập trung vào khu vực 650km2 (chiếm 32% diện tích thành phố) ở nội thành và vùng lân cận như quy hoạch thoát nước cách đây gần 20 năm.

TP.HCM liên tiếp ngập nặng – các dự án chống ngập đang ở đâu? - Ảnh 2.

Các dự án thoát nước của thành phố đến thời điểm này vẫn gần như không hiệu quả.

Ông Phan Thanh Tuấn - Phó giám đốc Ban Điều hành dự án 5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (đơn vị chủ trì đồ án quy hoạch) cho biết, mục tiêu của đồ án quy hoạch mới đưa hệ thống thoát nước thành phố gắn liền với các vấn đề tự nhiên, xã hội; quy hoạch ở các quận, huyện phải gắn quy hoạch chung, tránh việc bê tông hóa tràn lan, thu hẹp dòng chảy. Ngoài ra, sẽ xây dựng cơ chế quản lý hệ thống thoát nước trên sông, kênh, rạch, hồ điều tiết... luôn thông thoáng, giúp thoát nước.

Dù đồng tình với việc mở rộng quy hoạch trên, nhưng PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, quy hoạch thoát nước phải đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường - sinh thái. Để chống ngập một cách bền vững, các khu dân cư, đặc biệt là những khu dân cư xây dựng mới đòi hỏi phải có không gian trữ nước, thoát nước mưa.

Thực trạng cho thấy, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng ngay giữa vùng đất thấp trũng quận 7 nhưng không bị ngập, trong khi các tuyến đường quanh đó như Huỳnh Tấn Phát, khu dân cư Nam Long bị ngập nặng do khu đô thị này được thiết kế bài bản, quá trình xây dựng tuân thủ theo quy hoạch, có không gian cho cây xanh và nước. Vì vậy, khi mưa xuống là nước có đường để thoát, không gây ngập.

Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh hai bên là các khu dân cư cao tầng vừa mới xây dựng, nền đất rất cao, toàn bộ nước khi mưa đổ thẳng ra đường. Vì vậy, dù thành phố có bỏ ra gần 500 tỷ đồng để nâng đường thay cống cũng chưa dám khẳng định liệu có hết ngập hay không.

Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - cho hay, sau 12 năm, TP.HCM đã giảm từ 126 điểm ngập xuống còn 22 điểm.

Con số trên chỉ liệt kê những điểm ngập trọng yếu trên địa bàn thành phố sau đợt mưa vừa qua, chưa bao gồm điểm ngập thuộc khu dân cư, những điểm ngập cục bộ tại vùng trũng, thấp.

Bê tông hóa khiến hệ thống thoát nước quá tải

Ông Điệp nhìn nhận, với việc bê tông hóa, mật độ công trình cao tầng dày đặc tại khu vực trung tâm TP.HCM, hệ thống thoát nước hiện hữu khó phát huy hết hiệu quả.

Ngoài sự quá tải về hạ tầng thoát nước, thành phố đang phải đối mặt với vấn nạn lấn chiếm kênh, rạch, khiến dòng chảy bị thu hẹp. Rác thải từ các khu dân cư, khu đô thị xuất hiện dày đặc, cản trở khả năng hoạt động của hàng loạt van, cống thoát nước trên địa bàn.

Dự án chống ngập do triều cường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được quy hoạch từ năm 2008, nhưng đến năm 2016 mới khởi công xây dựng. Dự kiến đến tháng 4/2018 hoàn thành, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ hoàn thành gần 80% khối lượng. Dự án này theo kế hoạch sẽ hoạt động vào tháng 10 cũng đã bị lùi lại đến tháng 12, theo chủ đầu tư nguyên nhân trễ hẹn do chưa lấy được mặt bằng để thi công.

"Dự án sau khi hoạt động sẽ kiểm soát được triều cường từ kênh rạch qua các van ngăn. Nhà đầu tư cam kết khi mức nước vượt quá kiểm soát, hệ thống bơm sẽ bổ trợ và đảm bảo tuyệt đối giảm ngập khu vực nội đô", Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem