TP.HCM: Nhiều bệnh viện phải từ chối bệnh nhân do vượt dự toán

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 11/12/2020 19:00 PM (GMT+7)
Làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 12/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ bệnh viện, giao dự toán BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM: Nhiều bệnh viện phải từ chối bệnh nhân do vượt dự toán - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với UBND TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay có 45/55 bệnh viện của TP đã tự chủ tài chính nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong chi thường xuyên. Hiện giá khám chữa bệnh chỉ mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí, 3 yếu tố còn lại như khấu hao trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chi phí cho bộ phận gián tiếp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao công nghệ... chưa được đưa vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, tạo nên tình trạng nhiều loại giá ở các cơ sở chữa bệnh khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần xem xét lại việc giao dự toán chi BHYT cho các tỉnh thành có tỷ lệ người bệnh (nhất là bệnh nặng, chi phí cao) đến từ các tỉnh. Đặc biệt là đến năm 2021 thực hiện chính sách liên thông tuyến tỉnh sẽ tạo áp lực cho các tỉnh có tỷ lệ thẻ BHYT từ tỉnh khác tới khám chữa bệnh cao như TP.HCM. Thực tế, hiện nay tại TP.HCM, 50% bệnh nhân đến khám chữa bệnh là đến từ các tỉnh thành khác đến dẫn đến tình trạng các bệnh viện quá tải và vượt dự toán. Nhiều bệnh viện phải từ chối bệnh nhân do không thể tìm được phương án xử lý vượt dự toán BHYT, điển hình như Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Nhiều bệnh viện phải từ chối bệnh nhân do vượt dự toán - Ảnh 2.

Đại diện BV Chợ Rẫy phản ánh về việc chuyển tuyến dẫn đến bệnh viện quá tải, vượt dự toán.

Theo ông Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tuyến huyện gần vượt dự toán sẽ đưa bệnh nhân lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh có dấu hiệu vượt thì tiếp tục chuyển lên trung ương. Thế nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối, không có chỗ để "đẩy" bệnh nhân đi nơi khác. Vì vậy nguy cơ bệnh viện không thể thu lại nguồn chính đáng của mình, trong khi các bệnh viện đang lúng túng trong việc chứng minh các yếu tố khách quan làm gia tăng dự toán BHYT.

Về những bất cập nói trên, ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi cho BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh thành phố, tuy nhiên, khi triển khai, ngành đã giao dự toán chi cho các cơ sở khám chữa bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh không phải là đơn vị hạch toán của BHXH, và vấn đề giao dự toán cũng chưa có luật trong Luật BHYT cho nên đã gây nhiều hệ lụy như hàng trăm tỉ đồng của cơ sở khám chữa bệnh chưa được thanh toán, việc chuyển tuyến bệnh nhân không đúng chuyên môn. Bộ Y tế đang phối hơp với Bộ tài chính để báo cáo Chính phủ điều chỉnh phù hợp.

Cũng theo Vụ BHYT, trong năm 2020, số dự toán BHYT ban đầu của TP.HCM đã chi hết và vượt 1.300 tỉ. Đây là một con số rất lớn nên đơn vị đã đề xuất kiến nghị sớm với Bộ Tài chính để Chính phủ giải quyết ngay.

Về việc giao dự toán BHYT, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tới đây nếu thay đổi thanh toán dịch vụ sang thanh toán ca bệnh, việc giao dự toán sẽ phù hợp hơn, như vậy tạo ra một sự phát triển hơn đối với các cơ cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn đang triển khai thí điểm ở 3 địa phương về việc giao dự toán mới này, đến tháng 6/2021 sẽ triển khai toàn quốc. Nếu TP.HCM có nhu cầu muốn đi trước thì Bộ sẽ tạo điều kiện để thực hiện.

Theo đề nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM, Bộ Y tế cần quản lý vấn đề chuyển tuyến để giảm tình trạng vượt dự toán BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Để giải quyết việc thông quyến, chúng tôi đã đưa ra chương trình tổng thể, trong đó có nhiều hoạt động. Tuy nhiên cốt lõi mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nội trú đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ khắt khe về tiêu chí khám chữa bệnh, bởi vì có như vậy thì người dân mới được hưởng dịch vụ tốt".

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh là Bộ Y tế sẽ cùng UBND TP.HCM hiện thực hóa TP.HCM trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực về chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát lại tất cả những quyết định liên quan để tạo ra cơ chế thông thoáng nhất cho thành phố.

Bộ trưởng Y tế mong muốn TP.HCM có một phức hợp y tế, có thể là Thành phố Thủ Đức, trong đó có các trường đại học, các bệnh viện lớn của Trung ương, các bệnh viện địa phương. Đồng thời tán đồng ý kiến xây dựng đề án phát triển y tế cộng đồng và y tế thông minh, thúc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp dược và trang thiết bị cao để phục vụ người dân tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem