TP.HCM: Loạt dự án được hồi sinh, kiến nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 17/10/2022 18:30 PM (GMT+7)
Hàng loạt dự án bất động sản, nhà ở thương mại tại TP.HCM bị "trùm mền" thời gian dài vừa được các doanh nghiệp mua và tái khởi động.
Bình luận 0

Nhiều dự án được hồi sinh 

Nhiều dự án bị "trùm mền" hàng chục năm tại TP.HCM đã liên tục được hồi sinh. Điển hình, dự án Saigon One Tower nằm giữa 3 mặt tiền Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Võ Văn Kiệt. Đây là khu "đất vàng" ở trung tâm TP.HCM. Dự án này được khởi công từ năm 2007 với tổng số vốn lên tới 5.000 tỷ đồng. Đến năm 2011, dự án xây dựng được 80% thì đột nhiên ngưng trệ vì nhiều lí do. Saigon One Tower trở thành khối bê tông "khổng lồ" làm xấu mỹ quan thành phố trong suốt 11 năm.

Mới đây, dự án Saigon One Tower đã được công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển Viva Land đầu tư, triển khai xây dựng và đổi tên thành IFC One Saigon. Những mảng bê tông cũ, thô kệch đã được khoác lên "tấm áo mới" hiện đại hơn. Hàng ngàn khối tam giác cỡ lớn, nhiều màu sắc được lắp ghép khéo léo tạo thành hình "vảy rồng" độc đáo bên ngoài tòa nhà. Dự kiến, giá bán căn hộ tại IFC One Saigon có thể chạm ngưỡng 1 tỷ đồng/m2.

TP.HCM: Loạt dự án được hồi sinh, kiến nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất - Ảnh 1.

Nhiều dự án tại TP.HCM được hồi sinh làm thay đổi diện mạo đô thị. Ảnh: H.T

Một đại diện khác bị ngưng trệ đã 13 năm qua là dự án Kenton Node. Đây là dự án do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên sở hữu. Trái với kỳ vọng của chủ đầu tư, dự án rộng 11ha với 9 block bê tông đã "bất động" kéo dài, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Hiện tại, Kenton Node đã đổi chủ là Novaland và có tên mới Kenton Node thành Grand Sentosa.

Năm 2018, Tập đoàn Đất Xanh mở bán dự án mang tên Gem Riverside tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Dự án có quy mô 6,7ha với 12 toà tháp căn hộ. Tuy nhiên, sau mở bán nhà cho khách hàng, máy móc xây dựng cũng đã tập kết thì dự án phải dừng xây dựng do vướng pháp lý. Tới đầu năm 2022, lãnh đạo Tập đoàn Đất Xanh thông báo hồi sinh lại dự án này, với một tên hoàn toàn mới là Datxanhhomes Riverside.

Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đang hồi sinh sau hàng chục năm ''ngủ đông'' như Khu căn hộ Thái Bình Plaza tại địa chỉ số 800 đường Đồng Văn Cống, TP.Thủ Đức. Dự án nằm trên khu đất 14.000m2, do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, song việc bán hàng không khả quan, nên chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng dự án thành Bệnh viện đa khoa Phúc An Khang với quy mô 500 giường.

TP.HCM: Loạt dự án được hồi sinh, kiến nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất - Ảnh 3.

Dự án Saigon One Tower đổi tên thành IFC One Saigon và khoác áo mới. Ảnh: H.T

Thế nhưng, hoạt động được khoảng 2 năm thì bệnh viện tuyên bố đóng cửa, sau đó chuyển đổi công năng trở lại thành dự án nhà ở thương mại và đổi tên thành Khu căn hộ Swiss - Belresidences Upper East Saigon, do Công ty cổ phần Tập đoàn Hasco làm đơn vị phát triển với định vị phân khúc hạng sang.

Lo ngại thời hạn sử dụng đất dự án hồi sinh

Tuy nhiên, một vấn đề lo ngại với các dự án được hồi sinh là thời hạn sử dụng đất. Do ngưng trệ nhiều năm, một số dự án chỉ còn thời hạn sử dụng đất trên dưới 40 năm.

Trước vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, HoREA cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng đất, sao cho vẫn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về môi trường.

Cụ thể, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản, nhà ở thương mại của các chủ đầu tư yếu kém bị "trùm mền" đã được các doanh nghiệp mua và tái khởi động, điển hình là Novaland với 30 dự án và Hưng Thịnh với 10 dự án. "Tuy nhiên do thời hạn sử dụng đất chỉ còn lại khoảng trên dưới 40 năm nên chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bị thua thiệt khi tái khởi động các dự án này", ông Châu nhìn nhận.

Vị này góp ý thêm, nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, các chủ đầu tư mới này sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời hạn được điều chỉnh.

TP.HCM: Loạt dự án được hồi sinh, kiến nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất - Ảnh 4.

Một vấn đề lo ngại với các dự án được hồi sinh là thời hạn sử dụng đất. Ảnh: H.T

Lấy dẫn chứng từ dự án Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao đất từ năm 2008, sau đó bị thế chấp và trở thành nợ xấu, được VAMC thu giữ và đưa ra đấu giá năm 2019, ông cho biết thời hạn sử dụng đất lúc này chỉ còn 39 năm.

"Nếu có quy định điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lên đủ 50 năm, giá khởi điểm để đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn mức 6.110 tỷ đồng khi đó, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", ông nhấn mạnh.

Do đó, song song với việc cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo nhu cầu của người sử dụng, Chủ tịch HoREA đề xuất người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với thời gian sử dụng đất được điều chỉnh. Các quy định này cần được bổ sung, chỉnh sửa cho thống nhất, đồng bộ giữa các điều khoản trong Luật Đất đai (sửa đổi).

HoREA cũng kiến nghị bổ sung trở lại quy định thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án đối với dự án kinh doanh nhà ở. Đồng thời, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem