TP.HCM: Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm vì mặt bằng

Quốc An Thứ năm, ngày 31/12/2020 15:47 PM (GMT+7)
Không chỉ dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, nhiều dự án cầu đường trọng điểm khác tại TP.HCM cũng đang bị tạm ngưng thi công hoặc thi công cầm chừng vì khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khoá IX, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, nguồn vốn cho giao thông hiện nay chủ yếu là đầu tư công, phải qua nhiều khâu, đều phải báo cáo với HĐND TP và phần lớn các dự án giao thông là thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, hiện những dự án theo hình thức BT đang phải tạm dừng và hiện không còn thực hiện được.

Nhiều dự án vướng mặt bằng

Điển hình, dự án xây dựng bốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) có tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng, đã thi công đạt 85% khối lượng. Tuy nhiên, công trình hiện đang tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng chưa giải tỏa. Tương tự, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2) có mức đầu tư giai đoạn 1 là 838 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 1.435 tỷ đồng, đã thi công đạt 45% khối lượng. 

TP.HCM: Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm vì mặt bằng - Ảnh 1.

Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2)

Hiện các hạng mục xây dựng các nhánh đường quanh nút giao tạm dừng thi công vì chờ mặt bằng. Một dự án khác phải kể đến là dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (QBình Thạnh và Q.1) có vốn đầu tư là 472,9 tỷ đồng, tính đến nay chỉ mới đạt 36% khối lượng. Nguyên nhân tiến độ dự án bị chậm là do chủ đầu tư chưa quyết liệt giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công dự án.

Hoặc, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 có tổng vốn đầu tư là 3.082 tỷ đồng, đến nay đã thi công đạt 70% khối lượng nhưng hiện đang thi công cầm chừng. Nguyên do là dự án bị vướng đền bù giải tỏa phía quận 1 và các thủ tục liên quan đến vốn. Hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 chưa xác nhận được khối lượng và giá trị thực hiện để cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo nguồn vay cho dự án. Ngoài ra, do vướng mặt bằng ở khu vực nhà máy Ba Son khiến nhịp cuối của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công; mặt bằng trống để thực hiện nhánh N1 và N2 vẫn chưa được bàn giao.

Đặc biệt, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến Nút giao Tân Vạn hiện mới hoàn thành chỉ hơn 76%. Đây là một tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố - góp phần thúc đẩy sự phát triển liên kết kinh tế vùng trọng điểm Đông Nam bộ, nhưng đến nay mới hoàn thành được Trục đường chính, còn đường song hành hai bên vẫn chưa hoàn thành toàn bộ, vì lý do… chưa giải phóng được mặt bằng một số hộ dân trên địa bàn quận 9, địa bàn tỉnh Bình Dương và một phần mặt bằng trùng lắp với mặt bằng thi công tuyến Merto số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2...

TP.HCM: Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm vì mặt bằng - Ảnh 2.

Xa lộ Hà Nội là một tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông - góp phần thúc đẩy sự phát triển liên kết kinh tế vùng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các tuyến đường song hành do còn vướng mặt bằng và trùng lắp với mặt bằng thi công tuyến Merto số 1 Bến Thành – Suối Tiên, dự án vệ sinh môi trường thành phố, giai đoạn 2..

Hàng loạt dự án khác cũng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, chẳng hạn như dự án mở rộng đường Lương Định Của (Q.2) đến nay đã chậm hơn kế hoạch 4 năm; dự án 4 tuyến đường vành đai được quy hoạch tại TP.HCM, hiện chỉ đường vành đai 2 gần khép kín nhưng những đoạn chưa khép kín cũng đặc biệt khó khăn do giải phóng mặt bằng. Trong nhiều đoạn của tuyến vành đai 2, dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thủ Đức) có chiều dài chỉ 2,75km dù khởi công năm 2017 nhưng đến nay, mới chỉ đạt khoảng 60% và phải tạm ngưng vì không có mặt bằng thi công…

Sẽ quyết liệt

Hiện tại, TP.HCM đang tỏ rõ quyết tâm sẽ xây dựng dự án đô thị sáng tạo tại khu Đông dựa trên lợi thế về vị trí trung tâm kết nối tứ giác kinh tế năng động gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy, để xây dựng nền tảng cho đô thị sáng tạo, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt. Và, tuyến đường "huyết mạch" xa lộ Hà Nội lại càng trở thành tâm điểm để phát triển tính liên kết vùng Đông Nam Bộ. 

TP.HCM: Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm vì mặt bằng - Ảnh 3.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và quận 2 đang thi công.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, làm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; mở rộng đường Nguyễn Thị Định; khép kín đường vành đai 2; xây dựng đường vành đai 3... sẽ được TP chú trọng đầu tư trong thời gian tới.

Để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, TP xin làm thí điểm, Chính phủ đã có Nghị quyết 27 và Sở Xây dựng đang triển khai theo tinh thần Nghị quyết đó. 

Do đó, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, thời gian sắp tới, TP sẽ thực hiện các giải pháp là chỉ đạo sở ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang; nghiên cứu phương án đầu tư để hạn chế khó khăn; yêu cầu chủ đầu tư quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; chọn đơn vị thi công có kinh nghiệm để chấn chỉnh chất lượng công trình; triển khai kết cấu hạ tầng giao thông của TP, bao gồm các giải pháp chấn chỉnh giao thông đường bộ, giải pháp về vốn, giải phóng mặt bằng và nhiều giải pháp khác.

Sắp tới thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang, đảm bảo chất lượng; Yêu cầu các chủ đầu tư cam kết vấn đề giải phóng mặt bằng; tập trung đầu tư các dự án khép kín vành đai 2, 3; Xây dựng các tuyến đường sắt metro số 1, số 2…; Kết nối các cảng hàng hoá.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem