TP.HCM: Nhiều nhà thuốc bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “3 không”

Khải Huyền Thứ bảy, ngày 07/07/2018 18:21 PM (GMT+7)
Khi kiểm tra nhiều tiệm thuốc tây, cửa hàng mỹ phẩm, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn với hàng ngàn sản phẩm không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ…
Bình luận 0

Chiều ngày 7.7, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã ra quân tổng kiểm tra trên 70 cơ sở, điểm kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền.

Tại cửa hàng Mai Châu Supply (406 Nguyễn Trãi, P.8, Q.5), đoàn kiểm tra thu giữ hàng ngàn các loại sơn móng tay, mỹ phẩm, dầu gội… Đại diện cửa hàng không trưng ra được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến số sản phẩm này. Không chỉ vậy, cửa hàng này còn bán cả hàng giả, hàng nhái.

img

Cán bộ đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lô thuốc tây nhập ngoại không có hóa đơn, chứng từ...

Trả lời đoàn kiểm tra về nơi cung cấp nguồn hàng, đại diện Mai Châu lúc đầu cho biết mua ở chợ Kim Biên, một số mua trên mạng… Người này cũng cho rằng, cửa hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng do nhu cầu của người tiêu dùng muốn mua hàng ngoại giá rẻ. Trước đó, vào năm 2017, cửa hàng này đã từng bị QLTT TP.HCM kiểm tra, xử phạt về hành vi tương tự.

Tại nhà thuốc Y học dân tộc tư nhân Vĩnh Xuân (313 Nguyễn Trãi, P.7, Q.5), đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều lô thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở này cũng chuyên bán các loại cao đơn hoàn tán ngoại nhập và nội địa.

img

Những lô thuốc nhập ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ. 

Đoàn kiểm tra nhiều cửa hàng tại chợ bán sỉ thuốc Tây ở Q.10 cũng đã thu giữ 14 thùng thực phẩm chức năng chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ của công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Minh Sang.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho rằng địa bàn TPHCM rộng, việc kinh doanh cũng phức tạp nên để kiểm tra sâu sát hết các điểm kinh doanh không phải dễ.

Hiện nay, việc triển khai kiểm tra của QLTT được thường xuyên, nhưng có những thời điểm cần triển khai quyết liệt, tập trung để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hơn.

img

Các chủ cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đều cho rằng, do người tiêu dùng có tâm lý muốn sử dụng hàng hiệu, giá rẻ. 

Còn theo ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), việc kinh doanh, buôn bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế, môi trường đầu tư, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Hùng đề nghị khi cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc sai phạm về kinh doanh hàng gian hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì nên công khai trên báo đài để người tiêu dùng được biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem