TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng

P.V Thứ tư, ngày 09/12/2020 16:13 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên, tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho rằng, thời gian tới cần phải tính phí thu gom rác bằng phương thức… cân trọng lượng rác.
Bình luận 0

Liệu có khả thi ?

Chủ trương này gây nhiều tranh cãi. Có không ít ý kiến cho rằng, chủ trương tính phí thu gom rác tính bằng trọng lượng (kg) là không khả thi. Bởi vì trên thực tế, ở Việt Nam có rất nhiều rác, việc thu phí tính bằng trọng lượng sẽ phát sinh nhiều tiêu cực; trong khi cơ quan chức năng chưa đủ khả năng kiểm soát, chế tài đối với những hành vi không chấp hành.

TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng - Ảnh 1.

Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM ký hợp tác với Trường ĐH Công nghệ TP trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Võ Tiến (trú phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM) nói: "Tôi thấy phương án này khó khả thi. Vì nếu các gia đình tự cân, tự ghi nhật ký, thì mất thời gian, mất vệ sinh. Còn nếu để nhân viên thu gom tự cân, tự ghi, thì khó tạo sự tin tưởng. Còn phương án cả 2 cùng cân, ghi sổ và ký nhận thì chắc chắn không được vì chúng tôi đi làm cả ngày". Theo ông Tiến, chi phí 28 ngàn đồng/tháng tiền rác cho gia đình từ 3-5 người là hợp lý.

Bà Ngô Thị Việt, chủ hơn 30 phòng trọ ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thì quả quyết, bà không nhất trí với đề xuất thu tiền rác thải theo khối lượng. Bà Việt cho rằng, với các gia đình có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường có thể thực hiện được. Nhưng các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng trọ như nhà bà là bất khả thi.

TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng - Ảnh 2.

Người dân quận 5 cân rác đổi lấy quà tặng.

Hiện tại mỗi phòng trọ đóng 15 ngàn đồng/tháng tiền phí rác thải mà vẫn phải nhắc nhở người thuê đổ rác đúng giờ, đúng ngày. Nếu thu theo khối lượng, các phòng trọ sẽ không đem rác ra đầu cổng nữa mà quăng ra suối, ra đường cho đỡ tốn kém. "Tôi thấy, thay vì đề xuất thu tiền rác theo khối lượng, nên tìm giải pháp khác để làm sao hạn chế phát sinh rác thải sinh hoạt" - bà Việt nói.

Thu gom rác tính bằng trọng lượng, TP.HCM vẫn quyết tâm thực hiện

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thì chủ trương thu gom rác tính bằng trọng lượng (kg) đã được chính quyền TP.HCM đồng tình, hạ quyết tâm thực hiện trong thời gian sắp tới.

Việc thực hiện thu tiền rác theo khối lượng phát sinh đã được TP.HCM triển khai từ năm 2008, theo Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20/12/2008, về phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường, đối với chất thải rắn thông thường.

TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng - Ảnh 3.

Tập thể các hộ dân phường 7, quận 5, TP.HCM với các phần thưởng vì thành tích bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Đối với hộ gia đình chỉ chi trả 10.000 – 20.000 đồng cho công tác thu gom tại nguồn (ngân sách hỗ trợ toàn bộ cho chi phí vận chuyển và xử lý rác). Đối với chủ nguồn thải chi trả theo khối lượng phát sinh và chia theo nhóm đối tượng:

Nhóm 1 – dưới 250 kg/tháng, nhóm 2 – từ dưới 250 kg đến dưới 420 kg/tháng, nhóm 3 – phát sinh trên 420 kg/tháng (chủ nguồn thải phải chi trả cho công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và một phần cho công tác xử lý rác).

Hiện nay, các quận – huyện đang triển khai giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác theo Quyết định 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND TP.HCM. Theo đó, hộ gia đình và chủ nguồn thải chi trả giá dịch vụ theo khối lượng phát sinh, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (chi trả cho công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý với lộ trình tăng giá dần dần).

Việc chi trả tiền rác của hộ gia đình và chủ nguồn thải hàng tháng theo hợp đồng ký kết với đơn vị thu gom rác (khối lượng phát sinh thể hiện trong hợp đồng). Việc xác định khối lượng phát sinh của hộ gia đình và chủ nguồn thải để xác định mức chi trả được thực hiện bằng nhiều phương pháp: Hệ số phát thải theo đầu người, cân khối lượng, theo thể tích thùng chứa hoặc kết hợp nhiều phương pháp để làm cơ sở khoán khối lượng phát sinh hàng tháng cho hộ gia đình và chủ nguồn thải.

TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng - Ảnh 4.

Xử lý rác thải tại nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM.

Bên cạnh đó, việc thu tiền rác theo khối lượng cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện (Nhật Bản, Hàng Quốc, Thụy Điển, Thái Lan…) thông qua thùng chứa rác, túi đựng rác. Do đó, TP.HCM thực hiện thu giá rác theo khối lượng là phù hợp với xu thế hiện nay.

Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: "Nhằm triển khai Quyết định số 38/2018/QĐ- UBND, Liên cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường – Sở Tài chính – Sở Tư pháp – Cục thuế TP.HCM đã ban hành Công văn số 811/LCQ-STNMT-STC-CT ngày 29/1/2019; trong đó, bao gồm hướng dẫn xác định khối lượng và giá dịch vụ cụ thể cho từng đối tượng".

TP.HCM quyết tâm thu gom rác tính bằng trọng lượng - Ảnh 5.

Hình ảnh một điểm tập trung rác thải ở TP.HCM.

Các chuyên gia môi trường đồng quan điểm rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là truyền thông chính sách, giúp người dân dễ hiểu, dễ làm. Để thay đổi thói quen phân loại rác tại nguồn, ngoài tuyên truyền, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích người dân thực hiện. Chỉ như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng theo nguyên tắc người gây ô nhiễ̃m phải trả tiền, giảm thiểu tình trạng NSNN lâu nay đang bù lỗ cho dịch vụ công này, đồng thời, tạo ý thức phân loại rác tại nguồn - một tiền đề giúp rác thải trở thành tài nguyên.

Với 443 đại biểu tán thành (92%), Quốc hội thông qua Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi với 16 chương, 171 điều, chiều 17/11.

Luật quy định, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại gồm chất thải có khả năng tái chế, sử dụng; chất thải thực phẩm; chất thải khác.

UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể việc phân loại chất thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, rác có khả năng tái sử dụng được chuyển giao cho các đơn vị phù hợp; rác thực phẩm và loại khác được chứa trong bao bì theo quy định, chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Đơn vị thu gom có quyền từ chối nếu rác chưa được phân loại và không dùng bao bì đúng quy định; thông báo đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Theo Luật, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác được tính toán dựa trên pháp luật về giá; khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại. Rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng quy định thì không phải chi trả phí.

Trường hợp hộ gia đình không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác phát sinh.

Các quy định về thu phí xử lý rác sinh hoạt được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt; kỹ thuật phân loại rác... UBND cấp tỉnh quy định giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; quy định hình thức thu phí.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem