dd/mm/yyyy

TP.HCM: Theo chân nông dân đi học chuyển đổi số

Nhiều hoạt động cho thấy nông dân TP.HCM đang rục rịch chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Vừa qua, Hội Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) và Công ty Mediastep (đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam) tổ chức lớp học chuyển đổi số cho nông dân huyện Nhà Bè.

Nông dân TP.HCM rục rịch chuyển đổi số để tăng doanh số bán hàng trên chợ điện tử - Ảnh 1.

Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) đang chuyển đổi số để nuôi tôm. Ảnh: Trần Đáng

Đi học chuyển đổi số

Từ sáng sớm, nhiều nông dân nuôi tôm xã Hiệp Phước đã quy tụ chật kín căn phòng học xuất khẩu tôm trực tuyến. Từng sử dụng chợ điện tử buôn bán nông sản, nhưng khi nghe có buổi học xuất khẩu trực tuyến này, anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Hiệp Phước) cũng tìm đến học.

Anh Tùng kể, thời điểm tham gia buôn bán qua chợ điện tử anh đang quản lý một công ty xuất nhập khẩu nông sản. Hiện, anh Tùng đang nuôi tôm công nghệ cao với 4ha.

Anh Tùng hy vọng, qua buổi học này, anh sẽ biết mở và đầu tư gian hàng bán tôm qua chợ điện tử Alibaba.

Cũng như anh Tùng, anh Lâm Thanh Hùng, Giám đốc HTX Vina Nhà Bè, cũng đến lớp học khá sớm.

Mặc dù đã sử dụng mạng xã hội để giới thiệu và bán hàng của HTX, nhưng đây là lần đầu tiên anh Hùng tiếp cận một lớp học xuất khẩu trực tuyến.

Anh Hùng cho biết, anh mong muốn khi tham gia lớp học sẽ nắm được phương thức xây dựng gian hàng trên chợ điện tử, làm thế nào để tìm kiếm khách hàng thị trường ngoài nước.

Gắn với chuyển đổi số, anh Hùng cũng hy vọng việc truy xuất, xác thực nguồn gốc sản phẩm góp phần chống hàng giả, kiểm soát bán hàng, xây dựng uy tín thương hiệu, tăng hiệu quả marketing, tương tác với khách hàng đầu cuối, giúp phân tích – dự đoán – xây dựng chiến lược.

"Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần giúp người tiêu dùng truy xuất, tìm hiểu về thông tin sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, nếu đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp, thì truy xuất – xác thực nguồn gốc có ý nghĩa rất lớn, cần được đẩy mạnh thực hiện", anh Hùng chia sẻ.

Nông dân TP.HCM rục rịch chuyển đổi số để tăng doanh số bán hàng trên chợ điện tử - Ảnh 3.

Chuyển đổi số để đẩy mạnh doanh số bán hàng trên chợ điện tử đang được nhiều nông dân ở TP.HCM kỳ vọng. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, HTX của anh Hùng có 12 thành viên chuyên nuôi tôm, cua và trồng đông trùng hạ thảo. HTX đang xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký truy xuất nguồn gốc, mã vùng… cho sản phẩm.

Giám đốc Công ty Mediastep Nguyễn Thành Lâm cho biết, để thấy tính hiệu quả của bán hàng qua chợ điện tử cần phải có thời gian.

"Có người phải mất 1, 2 năm mới tìm kiếm được khách hàng", ông Lâm thông tin.

Ông Lâm khuyên, nếu tham gia chợ điện tử vì tò mò, cho biết thì nông dân không nên vì chỉ phí thời gian và tiền thuê gian hàng.

Theo ông Lâm, khi đã thuê gian hàng trên chợ điện tử, nông dân phải đầu tư chăm sóc gian hàng, như: Thay đổi hình ảnh, clip giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng liên hệ…

Hiện, trên chợ điện tử Alibaba có 5 mức giá cho thuê gian hàng. Mỗi gian hàng có giá thuê 1.999-10.000 usd/năm.

Nông dân chỉ bỏ tiền thuê gian hàng. Các kỹ thuật viên của Công ty Mediastep sẽ thiết kế gian hàng, tư vấn hỗ trợ, logictis, thanh toán…

Nông dân hài lòng với chuyển đổi số

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đối với việc triển khai chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của TP, Sở đã phối hợp với Bưu điện TP hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Posmart.

Nông dân TP.HCM rục rịch chuyển đổi số để tăng doanh số bán hàng trên chợ điện tử - Ảnh 4.

Trong lớp học chuyển đổi số cho nông dân huyện Nhà Bè do Hội Nông dân xã Hiệp Phước tổ chức. Ảnh: Trần Đáng

Theo đó, Sở giới thiệu hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông trại rà soát nhu cầu tiêu thụ nông sản, gồm: Loại nông sản, số liệu, tiêu chuẩn, chất lượng, thời điểm thu hoạch… để đưa sản phẩm lên sàn giaso dịch điện tử.

Về mức độ hài lòng của người dân đối với triển khai chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NNPTNT TP cho biết, bộ phận một cửa của sở và 6 chi cục trực thuộc đã tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng. Kết quả cho thấy, người dân, doanh nghiệp đánh gía hài lòng đạt 99% (2769/2796 phiếu khảo sát).


Trần Đáng