TQ: Thêm con đập khổng lồ phải xả lũ gấp, truyền thông dặn dân “thấy nước dâng là chạy”

Vương Nam – Taiwannews, China Press Thứ năm, ngày 02/07/2020 00:25 AM (GMT+7)
Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp khi bắt đầu bước vào mùa mưa chính. Mới đây, một con đập khổng lồ khác chắn nước sông Hoàng Hà cũng phải xả lũ để đón lượng nước mới dồn về.
Bình luận 0

img

Phượng Hoàng cổ trấn nổi tiếng Trung Quốc chìm trong dòng lũ (ảnh: Taiwannews)

Phượng Hoàng cổ trấn, thị trấn cổ với bề dày hơn 2.000 năm lịch sử, vừa trở thành khu vực mới nhất rơi vào ngập lụt do mưa lũ ở Trung Quốc.

Trấn Phượng Hoàng thuộc tỉnh Hồ Nam, nằm trên một nhánh của sông Dương Tử. Đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc với khung cảnh nên thơ, cổ kính.

Kể từ đầu tháng 6, hơn 14 triệu người ở 26 tỉnh, thành phố Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do mưa lũ. Hôm 29.6, đập Tam Hiệp chính thức xả lũ lần đầu tiên trong năm nay, làm dấy lên lo ngại làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở khu vực hạ lưu.

Theo thông tin mới nhất từ Tân Hoa Xã, mưa lớn đang xảy ra ở khu vực thượng nguồn sông Dương Tử như các sông Ngô Giang, Tiểu Giang và Đà Giang.

Hai bên bờ sông Đà Giang – một nhánh chính của sông Dương Tử – đã bị nhấn chìm trong dòng nước lũ.

Một đoạn video do người dân địa phương đăng tải cho thấy, dòng nước lũ đục ngầu phù sa đang quét qua đường phố ở Phượng Hoàng cổ trấn. Nước ngập cao đến vai người. Ở các khu vực thoát nước hiện đại hơn của cổ trấn, người đi bộ và các phương tiện di chuyển cũng rất khó khăn.

Theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA), mưa sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là hết ngày 2.7 ở Hồ Nam.

CMA đã ra cảnh báo mưa lớn trên khắp Trung Quốc suốt hơn 1 tháng nay. Dự báo sẽ có mưa lớn ở Trùng Khánh, Quý Châu, Hồ Bắc và nhiều nơi khác. Mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở khu vực thượng lưu sông Dương Tử và hồ chứa đập Tam Hiệp dâng cao, gây nhiều lo ngại về khả năng chịu sức ép của con đập lớn nhất thế giới.

Hôm 29.6, một con đập khổng lồ khác ở Trung Quốc là Tiểu Lãng Để cũng được cho phép xả lũ với lưu lượng hơn 5.500 m3/giây.

Để giảm bớt sức ép, hôm 30.6, đập Tiểu Lãng Để nhận được chỉ đạo mới rằng có thể tăng thêm lượng nước xả ra để đảm bảo mực nước trong đập không vượt qua mức cảnh báo lũ.

Đập Tiểu Lãng Để chắn nước sông Hoàng Hà – con sông dài thứ 6 thế giới. Với chiều cao 154 mét, đập Tiểu Lãng Để ở Hà Nam, Trung Quốc có khả năng xả hàng chục triệu tấn nước và bùn mỗi ngày.

img

Đập Tiểu Lãng Để trong một đợt xả nước (ảnh: Xinhua)

Tình trạng mưa lũ ở Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực khác.

Cục Tài Nguyên nước Chiết Giang thông báo, 20 hồ chứa lớn và vừa ở tỉnh này đã vượt quá mực nước cảnh báo lũ. Đến chiều 30.6, tổng lượng nước tại các hồ chứa lớn và vừa là 27,268 tỷ m3, tăng 3,804 tỷ m3 so với thời điểm trước mùa mưa.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Quốc, từ 1 – 2.7, nhiều khu vực ở các tỉnh thành như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Hồ Bắc, Sơn Đông, Vân Nam, Quảng Tây… sẽ trở thành rốn ngập.

Theo thông tin mới nhất, hơn 250 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động lũ. Mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở các sông tăng từ 30 – 80%.

Hôm 1.7, hãng tin Tân Hoa Xã có bài viết hướng dẫn người dân cách tự cứu mình khi ngập lụt ở thành thị.

“Khi thấy nước đột nhiên dâng cao, hãy bỏ xe và chạy. Nếu bị kẹt trong xe, hãy tìm đồ vật nào đó có thể dùng đập vỡ cửa xe và chạy”, Tân Hoa Xã  khuyến cáo.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cảnh báo, tình hình mưa lũ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 7 và tháng 8. Đây là thời điểm quan trọng nhất để kiểm soát dòng nước lũ và cần sự phối hợp của nhiều đập thủy điện.

Theo Nhân Dân Nhật Báo, trong tháng 6 vừa qua, vùng Giang Nam của Trung Quốc và khu vực hạ lưu, trung lưu sông Dương Tử  đã bước vào mùa mưa sớm hơn bình thường.

Thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Trung Quốc đã ở mức hơn 4 tỷ USD.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem