Trách nhiệm hình sự trong vụ phụ huynh bị lừa sau cuộc gọi "con đang cấp cứu"

Quang Trung Thứ bảy, ngày 11/03/2023 09:27 AM (GMT+7)
Sau nhiều vụ phụ huynh bị lừa tiền khi được thông báo "con đang cấp cứu", Công an TP.HCM chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sớm điều tra, làm rõ. Chuyên gia pháp lý cũng nêu quan điểm về vấn đề này.
Bình luận 0

Công an vào cuộc

Liên quan đến vụ nhiều phụ huynh bị người lạ lừa đảo sau cuộc gọi thông báo "con bị gặp nạn", Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM phối hợp với công an các quận huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra làm rõ.

Trách nhiệm hình sự vụ phụ huynh bị lừa sau cuộc gọi "con đang cấp cứu" - Ảnh 1.

Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi nhiều phụ huynh bị đối tượng lừa đảo thông báo trẻ nhập viện cấp cứu và yêu cầu chuyển tiền. Ảnh: TL

Ban giám đốc Công an TP.HCM yêu cầu các đơn vị phải tiếp nhận tin báo của phụ huynh bị lừa, lấy lời khai cụ thể; đồng thời, phối hợp với nhà trường, cơ quan chức năng tuyên truyền tới người dân để kịp thời phòng chống và ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng này.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cảnh báo người dân khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, thì cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ để phòng ngừa việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đủ yếu tố để xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, gọi điện cho phụ huynh thông báo con họ bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt là phương thức, thủ đoạn mới gây hoang mang dư luận. Vì vậy việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.

Ông Cường phân tích, lợi dụng tâm lý luôn lo lắng của các phụ huynh khi nhận được thông tin con bị tai nạn, đồng thời trẻ em ở độ tuổi đang phát triển rất hiếu động nên hoàn toàn có thể gặp tai nạn bất kỳ khi nào.

Chính vì vậy khi các đối tượng có được thông tin về trẻ em, gian dối về việc trẻ em bị tai nạn, các phụ huynh dễ dàng tin theo... khi biết thông tin con bị tai nạn đang cấp cứu, nhiều người sẽ mất bình tĩnh, không tỉnh táo và không tiếc tiền chạy chữa cho con nên dễ dàng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Dưới góc độ pháp lý, người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, trường hợp thông tin gian dối về việc học sinh bị tai nạn mà khiến phụ huynh tin tưởng chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, hành vi sẽ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp hành vi đưa thông tin gian dối nhưng phụ huynh không tin, chưa chiếm đoạt được tài sản, các đối tượng vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đưa thông tin bị cấm trên mạng viễn thông theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, với các bậc phụ huynh, cần hết sức bình tĩnh khi có ai đó báo tin về việc con mình bị tai nạn, phải xác minh lại thông tin từ phía nhà trường, phía cơ sở y tế và chỉ tin vào những thông tin từ giáo viên, lãnh đạo nhà trường hoặc từ cơ quan chức năng mà mình biết rõ.

Nếu thông tin có được từ số điện thoại của người lạ mà họ tự xưng danh sẽ chưa có căn cứ để xác định sự thật.

Việc nộp tiền cứu chữa phải nộp trực tiếp vào cơ sở y tế, nếu chuyển tiền để nhờ người khác nộp tạm ứng viện phí, chỉ chuyển cho người thân quen mà đã xác nhận là đúng.

Đặc biệt, thận trọng với số điện thoại mạo danh người thân, người quen hoặc mạo danh cơ quan chức năng để yêu cầu chuyển tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem