Trái cây đặc sản này đang chín rộ, Thái Nguyên bàn kế giúp nông dân tiêu thụ 4.500 tấn giữa mùa dịch

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 31/07/2021 13:03 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ na Võ Nhai gặp khó khăn. Do đó, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhau bàn giải pháp hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai tiêu thụ nông sản, đặc biệt là khoảng 4.500 tấn na Võ Nhai.
Bình luận 0

Ngày 30/7, Sở NNPTNT Thái Nguyên phối hợp với Sở Công Thương và UBND huyện Võ Nhai tổ chức Hội nghị hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm na trên địa bàn huyện Võ Nhai.

Đến nay, tổng diện tích na trên địa bàn huyện Võ Nhai khoảng 450ha, trong đó đã có trên 100ha na được chứng nhận VietGAP với trên 500 hộ tham gia. Sản lượng na hằng năm của huyện Võ Nhai ước đạt 4.500 tấn.

Na được đưa đi tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương lân cận như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang... thông qua tư thương và bán lẻ với giá bán bình quân khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Thái Nguyên hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ na giữa mùa dịch - Ảnh 1.

Xã La Hiên là địa phương có diện tích trồng na lớn nhất của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hà Thanh)

Hiện, trên địa bàn Võ Nhai có 5 xã tập trung vào trồng cây na gồm: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến. Các xã này đều tham gia dự án chuỗi giá trị cây na và Đề án sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tham gia dự án, các hộ được tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, túi đựng sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, na ở đây hiện vẫn chủ yếu được bà con nông dân thu hoạch theo phương pháp thủ công. Thời gian thu hoạch na thường kéo dài từ khoảng cuối tháng 7 đến hết tháng 8 hằng năm.

Thái Nguyên hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ na giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Các đại biểu đi tham quan sản phẩm na của bà con huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Theo định hướng của huyện Võ Nhai, đến năm 2025, tổng diện tích trồng na trên địa bàn đạt 1.000ha, diện tích cây na cho thu hoạch sản phẩm đạt 750ha, năng suất bình quân đạt 106 tạ/ha, sản lượng đạt 10.070 tấn; giá trị sản phẩm hàng hóa đạt trên 300 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 550ha; diện tích sản xuất hữu cơ đến đạt 60 ha và phấn đấu phát triển sản phẩm na OCOP đạt 3 sao.

Để làm được điều đó, huyện Võ Nhai có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây na theo hướng tập trung hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị từ sản phẩm na, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng na đối với vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Thái Nguyên hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ na giữa mùa dịch - Ảnh 3.

Bà con nông dân Võ Nhai bắt đầu vào vụ thu hoạch na (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm Na; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất na để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển cây na trên địa bàn huyện. Kết hợp xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm na Võ Nhai.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. 

Do đó, việc đẩy mạnh tìm đầu ra cho nông sản ở thị trường trong nước là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thái Nguyên hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ na giữa mùa dịch - Ảnh 4.

Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ, kết nối tiêu thụ na giúp bà con nông dân huyện Võ Nhai (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Tại Hội nghị giữa 3 sở ngành, địa phương liên quan, huyện Võ Nhai đã đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ địa phương tìm thị trường đầu ra để kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm na nói riêng.

Huyện cũng đề nghị các sở, ngành hỗ trợ đưa na Võ Nhai vào trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn giao dịch thương mại điện tử... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Ngoài ra, Võ Nhai cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ HTX, người nông dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm, kết nối giao thương giữa nơi sản xuất với nhà phân phối để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem