Trái lý ở miền Tây là quả gì mà loài chim quyên, chim tu hú nhìn thấy là mê như điếu đổ?

Thứ ba, ngày 07/03/2023 19:41 PM (GMT+7)
Cuối tuần, lướt Facebook, thấy chị bạn đăng ảnh trái lý với dòng trạng thái: “Cưng quá, có ai biết đây là quả gì không ạ?”. Trong phần bình luận có nhiều người quan tâm hỏi chị bán không? Trái lý hồi nhỏ thích lắm nè, trái lý giờ ít gặp lắm…
Bình luận 0

Những câu nói khiến tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ nội, cây lý sau nhà nội và nhớ những lần bị mẹ đánh vì tội leo cao trên đọt cây để bẻ trái lý chín.

Trái lý là một trong những loại trái cây gắn với tuổi thơ của bọn trẻ miền Tây thế hệ 8X, 9X đời đầu nhưng ngày nay còn ít. Lúc tôi còn nhỏ, sau nhà nội có cây lý to và nhiều trái lắm. Buổi trưa, bà nội thường ra gốc cây lý chẻ củi. 

Chúng tôi hay trốn người lớn không ngủ trưa mà ra đó chơi nhà chòi rồi bắt nội kể chuyện ông cọp, chuyện bác Ba Phi, chuyện đánh giặc.

Nghe nội kể chuyện một lúc mà không thấy mẹ cầm roi ra kiếm vì trốn ngủ trưa thì chúng tôi yên tâm chơi nhà chòi dưới tán cây lý mát rượi và những màn leo trèo thoăn thoắt lên cây bẻ trái lý chín mọng ăn.

Tôi nhớ vị trái lý chín ngọt thanh vô cùng, hương thơm của trái lý khiến mấy con chim tranh ăn với chúng tôi. Lũ chim hay lắm, có khi chúng tôi kiếm đỏ mắt không thấy trái lý còn tụi chim thì cứ chíu chíu là chúng tôi dò theo tiếng nó sẽ thấy trái lý chín.

Trái lý ở miền Tây là quả gì mà loài chim quyên, chim tu hú nhìn thấy mà mê như điếu đổ? - Ảnh 2.

Trái lý - miền ký ức đẹp của trẻ con miền Tây. Ảnh: HỒNG LAM

Xưa mấy con chim quyên ở quê tôi cũng ưa trái này. Người ta thường bảo “chim quyên ăn trái nhãn lồng”, tôi thấy đúng vì nhãn lồng ngọt mà mềm nên lũ chim quyên thích là đúng rồi. 

Vậy mà, trái lý chín cũng là một trong những món khoái khẩu của chúng. Trái lý có quả tròn, mùa lý chín từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Khi chín, trái ửng hồng và chỉ cần có chùm lý chín thì từ xa đã ngửi thấy mùi thơm quyến rũ của loại trái này. 

Leo trèo chán, chúng tôi chuyển sang chơi nhà chòi. Em gái tôi với con cô Sáu thì cất nhà dưới đất, tụi con trai thì làm nhà trên các nhánh cây nhưng tuyệt nhiên phải quanh quẩn cây lý dù vườn cây nhà nội có nhiều loại cây khác…

 Lẽ thường là vậy, thế nhưng cũng có hôm đứa nào trốn người lớn ra chơi trước, nó “xí” luôn cây lý và cất nhà chòi ngay dưới gốc để quản lý cây. Những đứa đến sau, muốn leo lên cây thì phải trả tiền là những lá cây mà nó đặt ra thì mới được leo lên bẻ trái, những đứa đến sau trong đó có tôi đều tuân theo răm rắp cái quy định kia…

Tuổi thơ chúng tôi cứ thế trôi đi gắn với những buổi trưa yên bình chốn làng quê, thanh âm xào xạc của tiếng lá rơi, tiếng chim sâu, chim quyên bé xíu lích rích chuyền cành và cả mùi thơm của trái lý chín thoang thoảng. 

Từ xa, tiếng của mấy con tu hú vọng về như muốn góp chút thanh âm vào bức tranh quê yên bình, dân dã. 

Miền ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn dư vị ngọt ngào cùng bao kỷ niệm khó quên khi tụ tập cùng đám bạn lượm mảnh thủy tinh đổi banh mủ về đá, đi bắt ổ chim, chơi trò trốn tìm, u hơi, đá cá lia thia, chơi ống thụt...

Dữ dội hơn là những buổi chiều trốn mẹ lội qua sông với cặp dừa khô dưới ngực để kiếm tìm trái cám, bị mẹ bắt được, anh em tôi lại bị ăn đòn. Giờ tôi ước một lần trở về tuổi thơ vô lo vô nghĩ, hồn nhiên, vui chơi tinh nghịch với bạn bè và cả những lần nghịch bị mẹ đánh đít, được ngồi dưới gốc cây lý của ngày xưa nghe bà kể chuyện. 

Nội tôi mất, cây lý của nội giờ không còn nhưng những ký ức về nội và cây lý của nội sẽ mãi trong tôi dù năm tháng cứ vô tình trôi mãi…

Trung Hiếu (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem