"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan

Tuấn Hùng Thứ bảy, ngày 18/03/2023 17:53 PM (GMT+7)
Những năm qua, thông qua Hội Nông dân, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã sản sinh những "trái ngọt" trong đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách đã được hưởng niềm hạnh phúc vì thoát hộ nghèo, công tác giảm nghèo của địa phương nhờ đó cũng bớt gian nan.
Bình luận 0

Clip: Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ giúp nông dân vùng khó ở Lai Châu thoát nghèo, công tác giảm nghèo cũng có bước khởi sắc.

Nguồn vốn ưu đãi để giảm nghèo

Với đặc thù là xã vùng cao của huyện Tam Đường, Lai Châu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thông qua các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xã Tả Lèng đã thực hiện hiệu quả các chính sách tới nhân dân.

Cùng với đó xã đẩy mạnh việc tuyên truyền khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế mà bộ mặt các bản đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát diện hộ nghèo, cận nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan - Ảnh 2.

Từ nguồn vốn ưu đãi giảm nghèo của Chính phủ, thông qua Hội Nông dân, Ngân hàng CSXH gia đình anh Phàn A Nhi ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu nuôi trâu, bò sinh sản và thương phẩm, nhờ đó thoát nghèo. ảnh Tuấn Hùng

Gia đình Anh Phàn A Nhi ở bản San Tra Mán, xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu) là một trong những hộ gia đình đi đầu trong phát triển kinh tế của bản. Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, từ bé anh đã hiểu được cái nghèo của bà con nơi đây.

Khi mới lập gia đình, mặc dù vợ chồng anh quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng gia đình luôn thiếu thốn, đói nghèo. Năm 2013, thông qua tổ chức Hội Nông dân, xã anh đã bàn với gia đình vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng để đầu tư mua 3 con nghé về nuôi.

Nhờ chịu thương, chịu khó, chăm tìm tòi học hỏi các kinh nghiệm chăm sóc nên 3 con nghe lớn của anh lớn nhanh. Sau 2 năm đầu chăn nuôi, cả 3 con nghé đều đẻ lứa đầu tiên. Đến nay đàn trâu nhà anh luôn duy trì ổn định trên 20 con, năm nào anh cũng có ít nhất 4 đến 5 con trâu để bán.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Nhi hồ hởi cho biết: Cùng với phát triển nuôi đàn trâu, tôi lặn lội đi các địa phương khác mua trâu, bò về vỗ béo rồi bán thịt, thu nhập cũng khá tốt, nhờ đó đến năm 2018 tôi đã trả được hết nợ ngân hàng và xây được ngôi nhà mới.

Cũng như gia đình anh Nhi, trước đây kinh tế gia đình chị Lý Thị Hồng ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường cũng rất khó khăn, cả gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào 4.000m2 ruộng cấy 1 vụ.

"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan - Ảnh 3.

Từ nguồn vốn ưu đãi gia đình chị Lý Thị Hồng ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu cũng thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Ảnh Tuấn Hùng

Quyết tâm thoát nghèo, những khi rảnh rỗi, hai vợ chồng chị Hồng lại đi làm thuê cho các công trình xây dựng dưới huyện Tam Đường nhưng thu nhập cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Năm 2015, sau khi chuyển nhà ra đường chục chính của xã, thấy vị trí địa lý thuận lợi cho việc kinh doanh, chị Hồng đã mạnh dạn vay ngân hàng CSXH huyện 50 triệu để đầu tư mua máy xay xát phục vụ nhu cầu của bà con.

Đưa chúng tôi đi thăm đàn lợn hàng chục con, chị Hồng chia sẻ: Từ khi mở địa điểm xay xát, nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Tận dụng các phụ phẩm từ việc xay xát tôi mua thêm lợn, gà, vịt về chăn nuôi. Mỗi năm từ các mô hình này, gia đình tôi cũng dành dụm được gần 200 triệu đồng.

"Mức thu nhập này, là niềm mơ ước của nhiều hộ dân ở trong bản và xã đấy", chị Hồng hồ hởi cho biết.

Nhiều giải pháp giảm nghèo

Chia sẻ với phóng viên, ông Phàn A Ếm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết:  Xã xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua, xã Tả Lèng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo tới tất cả các bản.

Trong đó, điểm nhấn không thể không kể đến nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Lai Châu. Với 725 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội, hiện nay, Hội Nông dân xã Tả Lèng đang quản lý 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác đạt trên 8 tỉ 600 triệu đồng, cho 155 hộ vay, với các chương trình cho vay: hộ nghèo; hộ cận nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường; sản xuất kinh doanh…

"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan - Ảnh 4.

Công tác giảm nghèo ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu có những chuyển biến tích cực, tính hết năm 2022 thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 10%. Ảnh Tuấn Hùng

Để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo, những năm qua một mặt, xã Tả Lèng đã thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để công tác giảm nghèo được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó xã chú trọng xây dựng kế hoạch giảm nghèo với mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo.

Cùng với đó hàng năm còn phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan - Ảnh 5.

Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương nhiều hộ gia đình ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu đã thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của bà con địa phương ngày một được nâng cao. Ảnh Tuấn Hùng

Ngoài ra, từ khi có chương trình nông thôn mới được triển khai và nhờ các chương trình hỗ trợ của nhà nước như chương trình 135, xã Tả Lèng đã lồng ghép các chương trình để hỗ trợ bà con làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cuộc sống của bà con nhân dân trong xã.

Đến nay hơn 30km đường giao thông liên thôn, bản đã được xây dựng, 9/9 bản đã được bê tông hoá tạo điều kiện cho bà con nhân dân đi lại giao thương buôn bán thuận tiện, các công trình như trạm y tế, nhà văn hoá các thôn, bản được xây dựng khang trang, sạch đẹp giúp bà con khám chữa bệnh và giao lưu văn hoá được tốt hơn.

Thực tế cho thấy, những năm qua, từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, thông qua hội nông dân xã bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và các đối tượng chính sach ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Lai Châu, nhờ đó có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và đã có không ít gia đình được hưởng "trái ngọt" thoát được nghèo và làm giàu.

"Trái ngọt" từ nguồn vốn ưu đãi, công tác giảm nghèo vùng đồng bào thiểu số Lai Châu bớt gian nan - Ảnh 6.

Bà con xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Ảnh Tuấn Hùng

Công tác giảm nghèo của địa phương cũng có những chuyến biến rõ nét, tính đến hết năm 2022 thu nhập bình quân đầu người xã Tả Lèng đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,3%, đây là tín hiệu vui ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Tả Lèng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem