Bất ngờ với mùa lộc trời là thứ trái mọng nước này ở An Giang, ai trông thấy đều tứa nước miếng

Thứ tư, ngày 11/05/2022 14:34 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, khi tiết trời chuyển sang hè, mấy cơn mưa đầu mùa ghé qua, ấy là lúc những trái trâm chín rộ. Mùa trâm còn được nhớ đến qua bài đồng dao quen thuộc: “Trời mưa lâm râm. Cây trâm có trái. Con gái có duyên…” văng vẳng suốt thời thơ ấu của rất nhiều người.
Bình luận 0

Mùa này, trâm mọc tự nhiên theo các tuyến đường; trâm chín bày bán khắp chợ, từ thành thị đến nông thôn. Loại trái vừa bình dân, vừa mang giá trị “đặc sản” của tuổi thơ, bởi ngày xưa bẻ ăn thoải mái, đâu ai mua - bán như bây giờ…

Giữa phố thị đông đúc, một rổ trâm cũng đủ làm điểm nhấn, khiến người đi đường đang lướt xe vội phải ngoái nhìn. 

Cái màu tím lịm nổi bật, từng trái no tròn căng bóng chẳng lẫn vào đâu được. Hình ảnh đó khơi gợi cảm giác chua chua, ngọt ngọt, kèm theo chén muối ớt giã nhuyễn khi thưởng thức. Mùi vị của trâm được gói ghém vào ký ức của người đam mê quà vặt quê nhà, hễ nhắc tới là thèm thuồng.

Bất ngờ vời mùa lộc trời là thứ trái mọng nước này ở An Giang, ai trông thấy đều tứa nước miếng - Ảnh 1.

Trái trâm ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Ở vùng núi, người ta gọi loại trái quen thuộc này là trâm rừng. Nhưng kỳ thực, kể cả dưới đồng bằng, hay bất kỳ nơi nào, trâm vẫn là loại cây mọc hoang tự nhiên, sống nhờ điều kiện đất trời, chứ đâu cần bàn tay nào chăm bón. 

Trái trâm có hình bầu dục, tròn thon, khi non có màu xanh, vị chua và chát, kết từng chùm dày đặc. Đến lúc chín, trái chuyển dần sang đỏ, tím, thậm chí đen bóng rất đẹp mắt. 

Cũng như chùm ruột, khế hay me chua, trái trâm - món ăn vặt quê mùa ngày nào - được hái đem bán để người dân có thêm đồng ra đồng vô đổi lấy bó rau, mớ cá. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ đều ưa thích loại trái ngon này.

Đặc biệt ở vùng Bảy Núi, trâm mọc nhiều nhất tại xã Núi Tô và rải rác hầu hết các xã của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang). 

Cây trâm xen kẽ trên đồng ruộng, điểm tô thêm màu xanh mát, thể hiện sức sống mạnh mẽ qua những tán cây rộng, thân vững chãi. Cây tạo bóng mát cho bà con nghỉ ngơi sau phút mệt nhọc với việc đồng áng. Núi Tô là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. 

Bà con ngầm giao ước: Cây trâm mọc trên ruộng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Đến mùa ra trái, nhờ được khách vãng lai ưa chuộng, bà con hái đem bán, vậy là có thêm khoản thu nhập phụ.

Chị Neáng Út (xã Núi Tô) sở hữu mảnh ruộng có nhiều cây trâm, nên ngày nào cũng tranh thủ sáng sớm đi hái trái để giao cho bạn hàng. Nắng càng gắt, trái trâm càng ngọt. Ngược lại, gặp mưa nhiều, vị trâm sẽ chua hơn. Không tốn chi phí chăm sóc, nhưng người bỏ công hái khá vất vả, đổi lại mỗi ngày có thể kiếm vài trăm ngàn đồng.

Trân trọng món quà thiên nhiên ban tặng, họ cẩn thận hái từng chùm cho vào giỏ, chuyền dây từ cành cao xuống mặt đất. 

Nhà nào sở hữu nhiều cây trâm thì có số lượng lớn bán cho thương lái, xem như nương vào mùa trâm mà sống khỏe. Vào đầu mùa, giá trâm khá cao (khoảng 60.000 đồng/kg), giảm dần khi trâm chín rộ, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 (âm lịch). Có nơi, trâm được bán theo đơn vị… lon (10.000-12.000 đồng/lon).

Nhà của chị Neáng An (ấp Tô Lợi, có vài cây trâm lâu năm. Mỗi ngày, chị hái đầy rổ lớn, luôn có khách ủng hộ. Bình quân 1 cây trâm ra trái đạt 40 - 50kg trong năm. 

Bà con phấn khởi vì năm nay mùa trâm đến sớm, bù lại cho năm trước, trâm chỉ ra trái lác đác, lượng trái thu hoạch khiêm tốn so với thường lệ. Đó là chuyện của tự nhiên, của thời tiết, tùy thiên nhiên tặng bao nhiêu thì người dân hưởng bấy nhiêu.

Bất ngờ vời mùa lộc trời là thứ trái mọng nước này ở An Giang, ai trông thấy đều tứa nước miếng - Ảnh 4.

Chùm trái trâm...

Trải nghiệm đến vùng núi, len lỏi vào phum, sóc mới thấy sự thân thiện, mến khách của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Hễ thấy người lạ tò mò đứng xem cảnh hái trái trâm, thay vì mời chào mua hàng, họ liền xởi lởi: “Ăn thử đi, cứ ăn thoải mái!”. Sự thân thiện đó dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. 

Thậm chí, người chuyên hái trâm bán sỉ cũng không có cây cân, việc mua - bán đặt hết niềm tin ở bạn hàng. Kể cả khách ngỏ ý mua lẻ, họ vô tư vốc từng nắm đầy theo cảm tính, tùy khách trả tiền bao nhiêu cũng được.

Dạo chơi qua những cung đường ở huyện Tri Tôn, bắt gặp cây trâm mọc giữa đồng, đám trẻ con hay người đi đường trèo hái ăn cũng không ai phiền lòng. Dù thu hoạch giao cho bạn hàng hay bán lẻ số lượng nhỏ, những trái trâm tươi ngon vừa hái xong đều được bà con ngồi lựa tỉ mỉ lần nữa, loại bỏ trái vừa chín tới, chỉ giữ lại trái ngon nhất.

Có lẽ, chính vì sự chất phác đó mà du khách phương xa chọn cách mua ủng hộ của bà con, ít khi đắn đo mặc cả. Trái trâm bán cho khách ăn tươi, có người kèm theo muối, hoặc biến tấu thành trâm lắc muối ớt… loại nào cũng ngon miệng. Cũng thời điểm này, lượng trái thu hoạch nhiều, để tránh lãng phí, người ta ngâm với rượu hoặc ngâm đường phèn, tạo ra nước trâm ngon lạ.

So sánh cảm quan, trái trâm ở vùng núi nhỏ hơn so với trâm mọc vùng đồng bằng, trái to nhất tương đương đầu ngón tay. Lạ nỗi, rất nhiều người phải tìm đến tận nơi mua “trâm rừng” để thưởng thức cho bằng được. Bởi theo họ, vị ngon của chúng khác lạ và đặc biệt. 

Người ta còn dùng nhiều lời hoa mỹ và cách giải thích để tôn lên sự đặc biệt của trái trâm ở vùng Bảy Núi. Lần thưởng thức nào cũng lưu dấu lại bằng màu tím trong miệng và mấy đầu ngón tay. Đón đợi mùa mưa để được đến vùng núi trải nghiệm, không chỉ có hương vị của trâm, mà cả những gì thuộc về con người, cuộc sống nơi đây.

Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem