Trần Nguyên Hãn, dòng dõi Trần Thái Tông quê làng Tứ Mặc ở Nam Định nhưng định cư ở vùng nào Vĩnh Phúc?

Thứ hai, ngày 20/03/2023 18:42 PM (GMT+7)
Trần Nguyên Hãn, danh tướng đời Lê Thái Tổ, dòng dõi quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, quê ở làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định, nhưng định cư tại làng gốm Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Trần Nguyên Hãn là cháu nội Trần Nguyên Đán và là cháu sáu đời Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông.
Bình luận 0

Trần Nguyên Hãn thuộc dòng dõi quý tộc nhà Trần. Ông là nhà quân sự đại tài thời Lê sơ, là khai quốc công thần nhà hậu Lê và là anh hùng dân tộc được sử sách lưu danh, người đời mến mộ.

Cho đến nay sử sách vẫn chưa ghi lại chính xác Trần Nguyên Hãn sinh năm nào chỉ biết rằng theo gia phả của dòng họ thì ông sinh năm 1390 mất năm 1429. 

Trần Nguyên Hãn là cháu nội Chương Túc Quốc Thượng hầu, Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán và là cháu sáu đời Chiêu Minh Đại vương, Tướng quốc Thái sư Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông.

Là dòng dõi quý tộc nhà Trần nhưng khi Trần Nguyên Hãn sinh ra cũng là lúc nhà Trần suy vi nên cuộc đời của Trần Nguyên Hãn phải chịu nhiều cơ cực ngay từ nhỏ. 

Dù cha mất sớm chỉ còn một mình mẹ nhưng ông được nuôi dạy rất cẩn thận. Từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn tỏ ra là một người tài trí, thông minh xuất chúng và có chí lớn.

Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, tận mắt chứng kiến tội ác của giặc Minh ức hiếp dân lành, Trần Nguyên Hãn ra sức học tập văn võ, nghiền ngẫm binh thư để sớm "đền nợ nước, trả thù nhà". Đây cũng là lý do mà Trần Nguyên Hãn quyết định theo Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn.

Trần Nguyên Hãn, dòng dõi Trần Thái Tông quê làng Tứ Mặc ở Nam Định nhưng định cư ở vùng nào Vĩnh Phúc? - Ảnh 2.

Đền thờ Trần Nguyên Hãn tại nơi ông sinh ra, làng Gốm, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 1418 khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, ông được Lê Lợi phong chức Tư đồ và chỉ huy nghĩa quân chống giặc. Như vậy có thể thấy Trần Nguyên Hãn rất được Lê Lợi tin dùng, trọng dụng. 

Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì Trần Nguyên Hãn là vị tướng có công đầu trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Trần Nguyên Hãn đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn không sợ hiểm nguy, xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công vang dội, khiến quân thù phải khiếp sợ. Tiêu biểu nhất phải kể đến trận đánh thành Xương Giang. 

Đây là một trong những trận đánh đi vào lịch sử dân tộc, thể hiện tài thao lược quân sự của vị tướng triều Lê. Thành Xương Giang được bố phòng rất vững chắc với nhiều hệ thống bảo vệ cẩn mật, song với cách đánh táo bạo, Trần Nguyên Hãn đã hạ được thành Xương Giang một cách nhanh chóng.

Chiến thắng trong trận Xương Giang đã góp phần quan trọng trong việc tiêu diệt viện binh của địch và giải phóng thành Đông Quan sau này. Tiếp đó Trần Nguyên Hãn lại được Lê Lợi giao trọng trách thực hiện phương án tác chiến đánh ải Chi Lăng. 

Trong trận đánh ải Chi lăng hai đạo quân của Trần Nguyên Hãn và tướng Lê Sát chỉ huy, cùng với tướng Trần Lựu hợp lực vây đánh, tiêu diệt gần một vạn binh hùng tướng mạnh của nhà Minh, tổng binh Liễu Thăng bị chém chết tại núi Mã Yên. Theo nhà sử học Lê Văn Lan thì trong chiến công vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn nổi lên như một ngôi sao sáng chói.

Sau đại thắng quân Minh, năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua, tức vua Lê Thái Tổ, đặt quốc hiệu Đại Việt, tiến hành luận công, ban thưởng cho các tướng sĩ. Trần Nguyên Hãn được phong chức Tả Tướng quốc, là chức quan võ cao cấp nhất thời đó và được phong tặng bốn chữ "khai quốc Nguyên Huân". 

Chức cao vọng trọng nhưng Trần Nguyên Hãn là người biết thời biết thế ông đã xin cáo quan về quê ở Sơn Đông. Tưởng rằng trí sĩ hồi hương Trần Nguyên Hãn sẽ được vui thú điền viên nhưng vì tin vào những dèm pha của quan nịnh thần mà Lê Lợi đã khép ông vào tội phản nghịch.

Cả một đời vì nước vì dân nhưng Trần Nguyên Hãn lại phải chịu một cái chết oan khiên, đến năm 1455 nỗi oan ấy của ông mới được giải. Nhân cách khí phách của Trần Nguyên Hãn được hậu thế kính trọng bởi sự hiên ngang, đầy hoài bão nhưng không màng danh lợi.

 Đến nay rất nhiều địa phương trên cả nước dựng tượng đài và đền thờ ông – một vị tướng có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Ngọc Hà (VOV2.VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem