Tranh cãi bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam khi có trường chênh nhau 60 bậc

Tào Nga Chủ nhật, ngày 19/02/2023 09:02 AM (GMT+7)
Sau khi vừa công bố, bảng xếp hạng VNUR đã gây ra nhiều tranh cãi khi so sánh với Webometrics. Cả 2 bảng xếp hạng đã có nhiều thay đổi về thứ tự sắp xếp của các trường. Thậm chí có trường chênh nhau 60 bậc.
Bình luận 0

Tranh cãi bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam

Mới đây, Viet Nam's University Rankings (VNUR) vừa công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023. Theo thông tin từ VNUR, đây là bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam đầu tiên được công bố trong lãnh thổ Việt Nam, dựa vào các tiêu chuẩn và tiêu chí phù hợp với thực tiễn cũng như các định hướng về chuẩn mực và chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam cũng như các nguyên tắc xếp hạng quốc tế. 

6 tiêu chuẩn để xếp hạng với các tỷ trọng cụ thể gồm: Chất lượng được công nhận (30%), Dạy học (25%), Công bố bài báo khoa học (20%), Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%), Chất lượng người học (10%), Cơ sở vật chất (5%).

Tranh cãi bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam khi có trường chênh nhau 60 bậc - Ảnh 1.

Top 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam do VNUR xếp hạng. Ảnh: CMH

Được biết, sau hơn 2 năm nỗ lực làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận, GS Nguyễn Lộc - nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) cùng nhóm nghiên cứu mới đưa ra được bảng xếp hạng này.

Trước đó, vào tháng 1/2023, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics các trường đại học ở Việt Nam. Đây là là Bảng xếp hạng tự động, đánh giá năng lực số hóa và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số về mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (visibility), độ mở về tài nguyên học thuật (openness) trên Google Scholar, và chỉ số trích dẫn khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus (excellence) của một cơ sở giáo dục đại học.

Tranh cãi bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam khi có trường chênh nhau 60 bậc - Ảnh 2.

Top 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam do Webometrics xếp hạng. Ảnh: CMH

Tuy nhiên, sau khi vừa công bố bảng xếp hạng VNUR đã gây ra nhiều tranh cãi về các tiêu chí đánh giá cũng như mức độ tin cậy khi so sánh với Webometrics. Cả 2 bảng xếp hạng đã có nhiều thay đổi về thứ tự sắp xếp của các trường. Thậm chí có trường chênh nhau 60 bậc.

Cụ thể như Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Trong bảng xếp hạng của Webometrics, trường đứng thứ 22, trong khi đó tại bảng xếp hạng VNUR chênh 60 bậc và đứng thứ 82.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xếp thứ 98 ở Webometrics và xếp thứ 55 ở VNUR, chênh nhau 43 bậc. Hay Trường Đại học Thủy lợi, Webometrics xếp trường thứ 31, còn VNUR xếp thứ 12...

"Là dữ liệu tham khảo, không nên tuyệt đối hóa"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về sự chênh lệch bậc giữa 2 bảng xếp hạng, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng: "Tiêu chí xếp hạng chi tiết mỗi bên sẽ khác nhau nhưng nói tới đại học là có điểm chung liên quan đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng nên không thể có kết quả quá chênh lệch như vậy".

Cũng theo thầy Lý, công bố trên nhật báo có ảnh hưởng lớn. Cục Quản lý chất lượng cũng nên có phản hồi công khai về việc Bộ GDĐT chưa thấy sự thống nhất và giám sát độc lập.

Liên quan đến chủ đề này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên  nêu quan điểm: "Trước hết xin nhắc lại là đây không phải là lần đầu tiên có 1 bảng xếp hạng các trường đại học do Việt Nam tự thực hiện. Cách đây 7 năm, năm 2017, đã từng có 1 nhóm 6 chuyên gia độc lập phân tích, xếp hạng và công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam theo một số bộ tiêu chí nhất định.

Điều đầu tiên cần phải thấy rằng việc xếp hạng đại học là 1 công việc quan trọng và là xu hướng của thế giới nhưng vẫn còn là khoảng trống còn khuyết thiếu ở Việt Nam. Cần khẳng định, xếp hạng đại học có nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, việc công bố các bảng xếp hạng đại học này giúp đưa ra thông tin minh bạch về chất lượng giáo dục của các trường, giúp sinh viên và phụ huynh có thể chọn được trường phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình. Ngoài ra, các bảng xếp hạng cũng giúp các trường đại học có thể đánh giá được chất lượng của mình so với các trường khác. Từ đó có thể cải thiện chất lượng giáo dục và nghiên cứu của mình để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và xã hội.

Thứ hai, dữ liệu bảng xếp hạng các trường đại học cũng giúp tăng cường uy tín và danh tiếng của từng trường. Từ đó thu hút được các giảng viên và sinh viên tốt, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển giáo dục của quốc gia.

Thứ ba, dữ liệu xếp hạng đại học cũng có thể giúp để các đơn vị sử dụng lao động, nhà tuyển dụng tham khảo trong quá trình tuyển dụng nhân sự cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xếp hạng đại học chỉ nên coi là một dữ liệu tham khảo, chứ không nên tuyệt đối hóa. Bởi kết quả xếp hạng phụ thuộc rất lớn vào tiêu chí xếp hạng, trọng số của các tiêu chí và chất lượng của nguồn dữ liệu phục vụ công tác xếp hạng. Chỉ cần thay đổi nhỏ về tiêu chí xếp hạng hoặc thay đổi tỷ lệ (%) của các trọng số là có thể làm thay đổi đáng kể kết quả xếp hạng. Bên cạnh đó, nếu dữ liệu đầu vào không đầy đủ hoặc thiếu khách quan thì kết quả xếp hạng cũng bị ảnh hưởng".

"Cá nhân tôi ủng hộ việc có các bảng xếp hạng các trường đại học. Tuy nhiên, sẽ ý nghĩa hơn nếu các thông tin về cơ sở, phương pháp, tiêu chí, nguồn dữ liệu... phục vụ xếp hạng được cung cấp và lý giải một cách đầy đủ hơn tới công chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có thêm các nhóm nghiên cứu độc lập khác xây dựng các phương pháp xếp hạng khác để có thể đối chiếu, so sánh. Khi đó mới có thể nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về mối tương quan", thầy Ngọc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem