Tranh cãi về bình đẳng giới trong Luật Lao động

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 11/10/2019 06:06 AM (GMT+7)
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi chỉ còn 10 ngày nữa sẽ được trình Quốc hội để thông qua. Nhưng tới nay, nhiều nội dung có liên quan tới bình đẳng giới, quyền lợi của lao động nữ vẫn đang vướng nhiều tranh cãi.
Bình luận 0

Cần môi trường phù hợp

Lao động (LĐ) Nguyễn Thị Thu – Công ty may 10 (Gia Lâm, Hà Nội) cảm thấy đồng tình với một số nội dung trong dự thảo Luật LĐ. Chị Thu cho biết: “Hiện nay công ty đã thực hiện tất cả chế độ chăm sóc bà mẹ, trẻ em, và chế độ thai sản cho LĐ nữ. Ngoài ra, chúng tôi còn được nghỉ làm khi con ốm, được bố trí nơi vắt sữa trong thời kỳ nuôi con nhỏ”.

Tuy nhiên, theo chị Thu, Luật LĐ sửa đổi nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì nên cân nhắc tăng ở từng công việc. Với LĐ làm công việc trực tiếp như chị thì không thể đủ sức khỏe làm tới 60 tuổi.

img

Nữ công nhân Công ty may 10 trong xưởng sản xuất. Ảnh: Minh Nguyệt

“Mong muốn của tôi và những LĐ nữ là được phía công ty tiếp tục tạo điều kiện, cải thiện môi trường sản xuất, duy trì chế độ tiền lương công bằng như với LĐ nam khi làm cùng một công việc. Đồng thời chính sách, môi trường làm việc cần phù hợp với phụ nữ. Cụ thể như thực hiện chế độ cho LĐ nữ nghỉ 30 phút giữa giờ làm trong thời kỳ kinh nguyệt, bố trí nơi vắt sữa...” – chị Thu tâm sự.

Bên lề hội thảo xây dựng Luật LĐ sửa đổi, từ góc nhìn bình đẳng giới (BĐG) sáng 10/10, ông Nguyễn Văn Bình – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐTBXH (đại diện ban soạn thảo) cho biết vấn đề chống phân biệt trên cơ sở giới đã được ban soạn thảo đưa vào luật. Quan điểm chính là thay đổi cách tiếp cận bảo vệ LĐ nữ sang cách tiếp cận thúc đẩy BĐG.

"Ban soạn thảo sẽ tiếp thu một cách hợp lý nhất, phù hợp nhất với các vấn đề thực tiễn, hội nhập quốc tế và những vấn đề hiện nay đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện rà soát và chốt phương án Dự thảo Luật để trình lên kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV tới đây”. 

Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH)

“Thay vì bảo vệ, chúng ta cần có quy định để thúc đẩy phụ nữ phát triển. Vì nếu chúng ta đưa ra các chính sách “phân biệt nam - nữ” tưởng chừng như nhân văn nhưng thực tế là có hại cho LĐ nữ. Vì như vậy, LĐ nữ sẽ có nguy cơ bị doanh nghiệp (DN) phân biệt đối xử” – ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, rất nhiều những nội dung trong dự thảo Luật LĐ sửa đổi đã thể hiện được quan điểm tiếp cận mới này. Ông Bình lấy ví dụ như tuổi nghỉ hưu, có nhiều ý kiến cho rằng việc chênh lệch tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện hành (chênh 5 năm) là bảo vệ LĐ nữ nhưng theo quan điểm của quốc tế thì như thế chính là phân biệt đối xử giới.

Ngoài ra, hiện nay rất nhiều những quy định hiện hành khác như: Trợ cấp nuôi con nhỏ cho LĐ nữ, nghỉ chăm sóc con nhỏ… cũng đang tạo ra sự bất BĐG, vô tình khiến mọi người nghĩ công việc chăm con là của phụ nữ. Chính bởi vậy, dự thảo Bộ luật LĐ sửa đổi lần này cũng đã thay đổi theo hướng áp dụng cho cả LĐ nam, nữ để vừa đảm bảo sự bình đẳng vừa tăng cường sự chia sẻ trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, dự thảo Luật LĐ sửa đổi lần này cũng sẽ chỉ ra những nội dung không khả thi do thiếu quy định như: Vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với DN sử dụng nhiều LĐ nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho LĐ nữ… để có hướng khắc phục.

Còn theo bà  Lê Thị Phương Mai – chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc” “Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy rất nhiều LĐ nữ ở các khu công nghiệp đang gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng và y tế nói chung. Thêm vào đó, các vấn đề chăm sóc giáo dục cho con cái của họ chưa được quan tâm... khiến LĐ không thể tập trung, yên tâm làm việc. Luật cũng cần chú ý đưa vấn đề này vào để giải quyết”.

Điều chỉnh sẽ dựa trên lợi ích chung

Các nội dung BĐG trong Dự thảo ở Bộ luật LĐ sửa đổi cũng nhận được sự góp ý, quan tâm rất lớn của DN. Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng (Nam Định) cho biết, đơn vị này đang sử dụng hơn 1 vạn LĐ, trong đó có tới gần 80% LĐ là nữ. Chính bởi vậy, các chính sách về BĐG sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

img

Cần điều chỉnh nhiều chính sách bình đảng giới cho lao động nữ. Ảnh: I.T

Ông Thịnh cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể giúp thích ứng với già hóa dân số, giải quyết việc thiếu việc làm trong tương lai nhưng điều này sẽ tạo những khó khăn cho LĐ làm việc trực tiếp, nhất là với lao động ngành may mặc. “Những LĐ trực tiếp sản xuất như may mặc, thì tuổi thọ trong nghề rất thấp. Thường họ chỉ có thể làm việc được tới tuổi 45 là đã suy giảm sức khỏe không đáp ứng được công việc. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm này (nhất là LĐ nữ) thì khó tạo ra sự bình đẳng. Bản thân DN cũng sẽ không thích dùng LĐ đã có tuổi, sức khỏe yếu” – ông Thịnh lý giải.

Đồng tình với quan điểm trên của ông Thịnh, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng: “Trong một dây truyền sản xuất liên tục, việc cho LĐ nghỉ tới 30 phút trong ngày kinh nguyệt sẽ khiến cả một quy trình sẽ bị ngắt quãng, làm giảm năng suất LĐ chung”.

Trước những đề xuất bỏ chế độ nghỉ 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt của LĐ nữ của phía DN, ông Nguyễn Văn Bình - đại diện Ban soạn thảo cho rằng, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các bên. Tuy nhiên, việc điều chỉnh các quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có Bộ luật LĐ đến nay.  Trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi của người LĐ và bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với LĐ nữ.

“Tinh thần là Ban soạn thảo sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến, tuy nhiên việc bổ sung, hoàn thiện nội dung trong dự thảo sẽ được cân nhắc dựa trên lợi ích chung. Theo đó, nội dung sẽ đảm bảo hài hòa giữa ba bên là DN – LĐ – Lợi ích lâu dài của đất nước. Bởi vậy, với một số nội dung chúng ta phải chấp nhận phương án phù hợp nhất chứ không thể lựa chọn phương án hài lòng cho tất cả các bên được” – ông Bình chia sẻ. 

img

Lao động khu vực phi chính thức dễ bị lừa

“Hiện nay, LĐ phi chính thức chiếm tới 31% trong tổng lực lượng LĐ của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chính sách cho nhóm LĐ này đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới LĐ, nhất là LĐ nữ di cư. Hiện nay, nhiều LĐ nữ di cư do không được đăng ký tạm trú, tạm vắng mà mất đi các quyền lợi chăm sóc y tế, sức khỏe. Bản thân LĐ di cư phi chính thức còn khó có khả năng tiếp cận với công việc chính thức, nên dễ bị lừa đảo”.

Ông Đào Quang Vinh – Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH)

img

Cần công bằng trong chi trả lương

“Để đảm bảo bình đẳng giới Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách trong tuổi nghỉ hưu, ngoài ra cần quy định tất cả người LĐ nam và nữ đều được nghỉ chăm sóc con ốm và nhận trợ cấp BHXH như nhau. Thêm vào đó cần tách riêng các điều khoản liên quan tới chức năng thai sản – mang thai và cho con bú (dành riêng cho phụ nữ) với việc nuôi con và chăm sóc con cái (liên quan tới vai trò của cả nam và nữ). Đặc biệt dự thảo Luật cần sửa đổi hướng tới việc đánh giá khách quan, công bằng về hiệu quả công việc, trả lương cho LĐ nam và nữ ở trong những hoàn cảnh công việc như nhau”.

PGS- TS Giang Thanh Long (Đại học Kinh tế quốc dân)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem