Tranh cãi việc đề nghị cấp sổ đỏ cho diện tích chung của khu tập thể trong phố cổ Hà Nội

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 17/07/2020 14:02 PM (GMT+7)
Người dân ở tập thể số 8A Ngô Quyền (Hà Nội) phản ánh, phần đất lưu không nằm giữa toà nhà A và C bị một số hộ dân chiếm dụng, thậm chí đang đề nghị được cấp sổ đỏ cho phần diện tích được cho là sử dụng chung.
Bình luận 0

Mới đây Dân Việt nhận được đơn phản ánh của các hộ dân ở toà A tập thể số 8A Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội về việc sân tập thể bị lấn chiếm, một số hộ còn đề nghị làm sổ đỏ phần diện tích được cho là đang sử dụng chung.

Sân chung cư bị lấn chiếm?

Cụ thể theo chị H. (cư dân sống ở toà A), vào thời điểm tháng 4/2020, một số người đã mang bàn ghế ra để trên phần đất giữa toà nhà A và C. 

Đồng thời, hàn lắp đặt một số cột sắt, thảm cỏ bằng nhựa quây chắn trước số căn phòng 105 và bao quanh cầu thang ngoài trời toà nhà C.

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 1.

Tập thể số 8A Ngô Quyền, nơi người dân tố sân chung cư cư bị lấn chiếm.

"Sau đó, chúng tôi đã phản ánh sự việc sân chung bị lấn chiếm tới UBND phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc này đã gây bức xúc cho các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà 8A Ngô Quyền", đơn của các hộ dân nêu.

Ghi nhận của phóng viên, khu tập thể số 8A Ngô Quyền gồm 3 dãy nhà cao tầng. Trong đó phần sân người dân phản ánh bị lấn chiếm là phần sân nằm giữa dãy nhà A và C. 

Được biết, các hộ dân ở toà nhà C đã bán, chuyển nhượng nhà và đất cho người khác. Toà nhà A gồm 5 tầng, các hộ dân vẫn đang sinh sống.

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 2.

Khu vực cầu thang dẫn lên toà nhà C.

Phía trên cầu thang (gần toà nhà C) hàn một giàn bằng sắt, bên trên treo các giỏ cây hoa. Tại khu vực cạnh cầu thang, bày một số bàn ghế, quầy bar. Phía trước căn phòng 109, treo biển xóm cà phê. Khoảng sân cạnh cầu thang (rộng khoảng hơn 10m2), được trang trí giống như một quán cà phê.

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, khu vực bày quầy bar, bàn ghế không có khách.

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 3.

Một số bàn ghế đề gần khu vực cầu thang, giáp toà nhà C.

Không cấp sổ đỏ cho phần diện tích lấn chiếm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Ban tiếp nhận bán nhà - Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, mới đây, đơn vị cũng nhận được đơn của người dân ở số 8A Ngô Quyền phản ánh về việc lấn chiếm phần sân chung cư. 

Sau khi nhận được đơn, phía công ty đã xuống chung cư xác minh phản ánh và sau đó sẽ trả lời đơn của người dân.

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 4.

Tại khu vực cầu thang người dân hàn một số thanh sắt, treo thảm bằng nhựa chắn trước cửa phòng 105.

Theo ông Lân, năm 1996, đơn vị tiếp nhận quản lý chung cư số 8A Ngô Quyền từ Bộ Tài chính. Thời điểm bàn giao nhà cho công ty đã ghi nhận phần diện tích lấn chiếm gần toà nhà A. Hiện nay, xác định khu vực lấn chiếm là gia đình bà Lưu Thị Dung.

"Khu vực lấn chiếm của nhà bà Dung hiện nay không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà ở. Chúng tôi khẳng định chưa cấp sổ đỏ cho phần diện tích này", ông Lân nói.

Về phản ánh của người dân về hoạt động mang bàn ghế, dựng cột sắt, thảm nhựa treo tại vị trí gần khu vực cầu thang toà nhà C, theo ông Lân, khu vực người dân phản ánh có diện tích khoảng 10m2.

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 5.

Khoảng sân chung cư giữa toà nhà A và B.

Theo thiết kế, khu vực này là công trình phụ trợ phục vụ cho các cư dân của toà nhà C, bao gồm cầu thang dẫn lên toà nhà C và bên dưới là khu vực để xe. Toà nhà C có 8 hộ dân và hiện nay đã chuyển bán nhà cho một người khác.

"Theo quy định của thành phố nếu không có khiếu kiện trong vòng 30 ngày, không ảnh hưởng tới hạ tầng kỹ thuật của những nhà xung quanh và nếu chủ toà nhà C có đề xuất xin cấp sổ đỏ ở các công trình phụ trợ chúng tôi sẽ xem xét theo quy định. Hiện tại, chúng tôi đã báo Sở Xây dựng về khu vực công trình phụ trợ này.

Còn việc hiện nay đã cấp sổ đỏ cho các công trình phụ trợ tại toà nhà C này hay chưa thì tôi chưa nắm rõ. Bởi Sở xây dựng Hà Nội sẽ đại diện cho chủ sở hữu, thu tiền và chuyển hồ sơ cho Sở tài nguyên môi trường cấp giấy chứng nhận sổ bìa đỏ", ông Lân nói.

Cũng liên quan đến phản ánh của người dân về căn hộ 109, giáp toà nhà C là toà nhà lấn chiếm?

Ông Lân nói: "Căn phòng 109 là chúng tôi chỉ cấp sổ đỏ ở phần trong nhà, còn phần lấn chiếm chúng tôi không cấp. Chúng tôi chỉ cấp sổ đỏ cho các hộ dân nằm ở trong khối nhà chung cư đó, còn phía ngoài chúng tôi không cấp".

Dân “tố” sân chung cư phố cổ Hà Nội bị “xẻ thịt, biến thành nhà ở - Ảnh 6.

Mặt bằng biển giữa toà nhà A và C.

Trao đổi thêm về sự việc, ông Vũ Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay, diện tích của gia đình bà Dung nằm giữa toà nhà A và C. Tuy nhiên, đây là diện tích gia đình bà Dung lấn chiếm, không được cấp sổ đỏ.

Theo ông Phong, năm 2019, một số người ở toà nhà C đã xây dựng bức tường cao hơn 1m ở gần khu vực cầu thang toà nhà C nhưng sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND phường đã xuống yêu cầu phá dỡ bỏ bức tường. Hiện nay, chỉ còn một vài thanh sắt lắp giàn để treo giỏ cây.

Theo biên bản cuộc họp ngày 11/6/2020, liên quan đến việc mua án và sử dụng nhà đất tại khu nhà C, các hộ dân ở khu nhà C không đồng ý với ý kiến đề nghị dừng giao dịch mua bán. Các hộ này cho rằng việc chuyển nhượng nhà là hợp pháp.

Trong khi đó, các hộ dân khác ở cùng địa chỉ 8A Ngô Quyền cho rằng, diện tích xung quanh cầu thang dãy nhà C là phần diện tích sử dụng chung. Các hộ dân dãy nhà C và những người mua nhà đất tại đây cũng chỉ có quyền sử dụng chung phần diện tích hơn 10m2 này. Còn phần diện tích riêng của các hộ tại dãy nhà C, các hộ dân khác ở 8A Ngô Quyền không có ý kiến. 

Bên cạnh đó, phản ánh đến Báo điện tử Dân Việt, một hộ dân ở khu tập thể trên cho biết, khu nhà C vẫn thuộc địa chỉ 8A Ngô Quyền. Do đó, phần sân phía dưới cầu thang nhà C 2 tầng vẫn là phần diện tích sử dụng chung nhiều năm nay. Các hộ dân có quyền khiếu nại việc này.

Được biết, ngày 7/7/2020 UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Xây dựng, UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và trả lời người dân trước ngày 15/7/2020. Đồng thời, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Điều 101 Luật đất đai năm 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem