Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa

PVCT Thứ năm, ngày 15/09/2022 11:51 AM (GMT+7)
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng cần quy định cụ thể về “đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng” và “điều kiện được nhận chuyển nhượng” để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân.
Bình luận 0

Bảo đảm không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp

Sáng 15/9, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai, song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.

Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh Q.V

Theo bà Vân cần làm rõ nội dung "phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch" bởi vì khi cho phép "sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ" tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Như vậy vấn đề "đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch" ở đây được hiểu như thế nào trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm do chuyển sang "xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ".

Vẫn theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, quy định tại Điều 214 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân. Điều này là phù hợp và đã cụ thể hóa được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp" cũng như Nghị quyết số 20-NQ/TW về "... khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...".

Vấn đề đặt ra là cần quy định cụ thể về "đối tượng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng" và "điều kiện được nhận chuyển nhượng" để vừa thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển vừa đảm bảo ổn định cuộc sống của nông dân, tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa cho các tổ chức kinh tế.

Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân: Tránh tình trạng nông dân không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm, thu nhập sau khi chuyển nhượng đất trồng lúa. Ảnh Q.V

Cần quy định rõ về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Bên cạnh đó phải xem xét quy định về việc "nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp" đối với các tổ chức kinh tế giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tránh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sau khi 2 Luật này được ban hành.

Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép người có đất nông nghiệp được góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế, trong khi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 50), người tham gia góp vốn phải chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác (Điểm a Khoản 1 Điều 51) và đây là tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 61).

Như vậy, trong trường hợp người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế nhưng sau một thời gian không có nhu cầu tham gia nữa thì quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết, xử lý như thế nào ? Nếu theo Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng đất do đã chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác, trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định việc người tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp không làm mất quyền sử dụng đất của người tham gia góp vốn nếu người đó không còn nhu cầu tham gia góp vốn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem