Transerco chuẩn bị cho cổ phần hóa

17/06/2020 07:12 GMT+7
Theo chỉ đạo, trong năm 2020 Vận tải Hà Nội (Transerco) phải thực hiện xong cổ phần hóa.

Theo danh sách chỉ đạo cổ phần hóa đến hết năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có 13 doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 50% - 65% vốn, bao gồm 4 tổng công ty là: Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico); Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) và Vận tải Hà Nội (Transerco).

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là doanh nghiệp nhà nước quản lý hệ thống xe buýt toàn TP. Hà Nội. Báo cáo tài chính của Transerco cho thấy, doanh nghiệp này đã và đang sở hữu cổ phần trong nhiều dự án bất động sản (BĐS) trên các khu đất đắc địa tại Thủ đô. 

Transerco chuẩn bị cho cổ phần hóa - Ảnh 1.

Transerco sở hữu 28% công ty là chủ đầu tư của dự án Mipec trên đường Xuân Thủy.

Chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập vào tháng 6/2016, địa chỉ trụ sở chính nằm ngay tại Dự án. Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Công ty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) nắm giữ cổ phần chi phối 51%, Transerco sở hữu 28% và Công ty CP Hoa Cương nắm giữ 21% còn lại.

Transerco sở hữu 5 công ty con và khoảng 10 đơn vị trực thuộc đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ. Nhiều đơn vị trong số đó cũng đang sở hữu những khu đất đắc địa như: Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm (số 7 Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm), hay Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT (Trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình)…

Song song với việc phải thực hiện xong công tác cổ phần hóa, phương án thoái vốn tại các đơn vị khác cũng sẽ được công ty đẩy mạnh để tập trung nguồn lực cho ngành nghề chính. Hoạt động vận tải công cộng đang gặp phải thách thức lớn đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch, TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động xe buýt từ 28/3 đến hết ngày 15/4, khiến Transerco không có nguồn thu. Dù vậy, công ty cho biết vẫn phải trả nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng, trả một phần thu nhập cho người lao động và các chi phí tối thiểu để vận hành...

Doanh thu các lĩnh vực kinh doanh khác của Transerco được cho biết cũng giảm từ 10 - 20% so với kế hoạch đã xây dựng ban đầu.

Trước tình hình này, Transerco đặt kế hoạch kinh doanh lỗ 45 tỉ đồng, bên cạnh doanh thu 1.870 tỉ đồng. Với đặc thù doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích, công ty thường xuyên phải chịu cảnh lỗ thuần, thay vào đó cứu cánh bằng nguồn lợi nhuận khác. Năm ngoái, báo cáo tài chính tổng hợp của Transerco cho biết mức doanh thu 2.621 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 33 tỉ đồng với tài sản cuối kì gần 3.330 tỉ đồng.

Trong văn bản giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh năm 2020, Ủy ban ND TP Hà Nội đưa ra chỉ tiêu không lỗ đối với Transerco. Bên cạnh đó, không có nợ phải trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1. 

Đối với các công ty mà Transerco sở hữu trên 51% vốn, ba đơn vị được yêu cầu không lỗ gồm CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hóa Hà Nội, CTCP Vận tải Newway và CTCP Xe điện Hà Nội. Các doanh nghiệp yêu cầu có lãi gồm Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và CTCP Bến xe Hà Nội.

Kế hoạch kinh doanh nói trên cho thấy phần nào những thách thức mà Transerco và các đơn vị thành viên phải gánh chịu trong giai đoạn hậu COVID, bất chấp việc đại dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt.

A.Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục