Trào lưu lấy chồng Hàn Quốc: Khi Nhà nước “làm mai”

Thứ tư, ngày 08/06/2011 14:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước phong trào “sôi sục” lấy chồng ngoại, năm 2008, Hội Phụ nữ Hải Dương thành lập Trung tâm Tư vấn giới thiệu hôn nhân với mong muốn tư vấn cho các cặp kết hôn có yếu tố nước ngoài để họ đỡ nuôi ảo mộng và có kiến thức, hiểu biết vững vàng hơn về đất nước mà họ tới làm dâu.
Bình luận 0

Trào lưu “vui thì đi”

img

Đám cưới chị Mai Khanh ở Hải Dương.

Hơn 3 năm qua, Trung tâm Tư vấn giới thiệu hôn nhân Hải Dương (Trung tâm) đã tư vấn cho hơn 300 trường hợp ghi chú hôn nhân do Sở Tư pháp chuyển qua. Từ năm 2010, Chính phủ giao trách nhiệm “mai mối” hôn nhân với người nước ngoài cho Hội Phụ nữ, Hải Dương được chọn là một trong hai tỉnh làm điểm mô hình giới thiệu kết hôn với người nước ngoài (cùng với TP. Hồ Chí Minh). Trung tâm đã liên kết với Trung tâm Văn hóa phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc để đảm bảo tìm được các chàng rể đáng tin cậy.

“Từ thực tế làm tư vấn ở Trung tâm, chúng tôi nhận thấy nhiều cô gái rất… vô tư, thậm chí vô trách nhiệm với hôn nhân của mình”- chị Thu Hà (nhân viên) nói. Lý do lấy chồng Hàn Quốc của các cô là muốn “đổi đời”, hoặc thấy cảnh bên đó đẹp, nam giới bên đó vừa đẹp trai vừa ga lăng với phụ nữ (xem phim) nên thích được như thế. Hơn nữa, với sự tán dương của những người môi giới, không ít các cô háo hức lao theo mà không ý thức được việc mình làm.

Trong số 50 hồ sơ đăng ký tại Trung tâm, có đến 50% trường hợp các chị đã ly hôn, có con nhỏ. Các chị không hy vọng tìm được người đàn ông Việt trân trọng và yêu thương con mình. Có 2 chị đã ly hôn với người Hàn Quốc nhưng vẫn quyết tâm ra đi lần nữa. “Các em chỉ muốn lấy chồng ngoại thật nhanh mà không hề có bất cứ mường tượng hay lo lắng về cuộc sống một mình nơi đất khách quê người với người xa lạ, đến tiếng cũng không hiểu” – bà Nguyễn Thị Yến – Giám đốc Trung tâm bày tỏ.

Cưới ai cũng cần hiểu và yêu thương

img Lấy chồng ngoại là một xu hướng tất yếu khi thế giớ hội nhập. Tuy nhiên, tôi thấy đau đớn khi phụ nữ VN tự hạ thấp tư cách của mình như vậy. Tìm chồng vội vàng, liều lĩnh, thậm chí lột cả quần áo để cho người ta xem như món hàng. Nếu mình không giữ nhân cách của mình thì làm sao hy vọng người chồng sẽ tôn trọng và yêu thương mình. img

Không dám liều lĩnh đặt cuộc đời mình và con gái cho những người môi giới, chị Nguyễn Mai Khanh (TP. Hải Dương), sinh năm 1974, đã nộp hồ sơ vào Trung tâm. Và hạnh phúc sớm mỉm cười với chị. Chồng chị hơn chị 20 tuổi, làm nghề nông và theo lời giới thiệu của Trung tâm bên Hàn Quốc, anh có một trang trại nhỏ. Anh cũng đã ly hôn, con cái lớn. “Vừa nhìn thấy anh ấy, chị đã không ưng. Vì anh ấy già, nhìn hơi quê, chị đã định quay ra. Nhưng mấy em ở Trung tâm thuyết phục chị cứ ngồi nói chuyện” - chị Khanh kể.

Hóa ra anh rất chân thành và hiểu biết. Anh bảo chị: “Anh ưng em lắm rồi. Nhưng anh biết anh nhiều tuổi hơn em, hình thức cũng chỉ có thế nên em suy nghĩ cho thật kỹ. Nếu em ưng thì anh hứa sẽ không làm em khổ”. Anh đề nghị cho chị về thăm nhà trọ nơi chị ở. Nhìn căn nhà tuềnh toàng, anh đã ôm chị và đứa con gái 4 tuổi của chị mà khóc. “Tôi đã cảm động trước sự chân thành, ấm áp mà anh ấy dành cho tôi và con. Từng này tuổi rồi, tôi chỉ muốn có một người yêu thương, quan tâm đến mình thật lòng” – chị Khanh cho biết. Cuối tháng 6 này chị và con sẽ bay sang sống cùng anh.

Tại Trung tâm, các cô gái tìm được ý trung nhân sẽ được làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam (không chấp nhận ghi chú hôn nhân). Các cô dâu sẽ được tham gia một khóa học “tiền hôn nhân” 2 tháng. Ngoài tiếng, các cô được học về văn hóa, ẩm thực và nếp sống của người Hàn Quốc, dạy nét đẹp văn hóa của Việt Nam, định hướng về tư tưởng để hy vọng sau này, các cô sẽ phát huy được hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Mọi chi phí đều do Trung tâm đảm nhiệm.

“Chúng tôi tư vấn hàng trăm trường hợp nhưng chẳng có trường hợp nào vì nghe chúng tôi tư vấn mà bỏ ý định lấy chồng Hàn Quốc. Tuy nhiên, các em sẽ có lựa chọn thận trọng hơn và có thêm kỹ năng để biết cách chăm lo cho mình” – bà Yến cho biết. Trước những vụ việc cô dâu Việt Nam bị sát hại, bị ngược đãi, bà Yến cho rằng, thay vì cấm cản (vì có cấm cũng không được), thì cần có quy định các cô gái kết hôn có yếu tố nước ngoài phải có kiến thức, ngoại ngữ phù hợp với đất nước mình đến. Có như vậy mới giảm thiểu sự rủi ro cho chính các cô nơi xứ người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem