Trên một sàn thương mại điện tử có 26 triệu nhà nhập khẩu, nông sản Việt rất được quan tâm

K.Nguyên Thứ hai, ngày 17/01/2022 06:30 AM (GMT+7)
Các mặt hàng nông sản cũng như thực phẩm chế biến là 2 nhóm danh mục hàng hóa được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu thế giới tìm tới các nhà bán hàng, các đơn vị xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất trên sàn Alibaba.com.
Bình luận 0

Đó là thông tin ông Vũ Thế Tùng, phụ trách phát triển thị trường tại Sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy kết nối, chế biến nông sản do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây.

Theo ông Vũ Thế Tùng, Alibaba hiện có 26 triệu nhà nhập khẩu đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Với tư cách là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, theo thống kê, hiện nay, trên sàn thương mại điện tử Alibaba, các mặt hàng nông nghiệp, nông sản cũng như thực phẩm chế biến là 2 nhóm danh mục mặt hàng được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu thế giới tìm tới các nhà bán hàng, các đơn vị xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất" - ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cho rằng, công cuộc chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ giúp các công ty, hợp tác xã của Việt Nam đa dạng hóa danh mục khách hàng. 

Trên một sàn thương mại điện tử có 26 triệu nhà nhập khẩu, nông sản Việt rất được quan tâm - Ảnh 1.

Sàn Alibaba giới thiệu nông sản Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

"Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quy trình sản xuất, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu" - ông Tùng nói. 

Muốn đa dạng hóa sản phẩm, khó nhất là danh mục người mua. "Các sàn thương mại điện tử là giải pháp tối ưu hóa nhất về chi phí để các doanh nghiệp Việt Nam bước những bước đầu tiên trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm và tương tác với người mua. Từ danh mục đó có thể đổi mới, đầu tư sản xuất, tiếp cận với những thị trường cao hơn" - ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Tùng, sàn Alibaba.com tập hợp các doanh nghiệp bán buôn xuyên biên giới nên rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, siêu thị cũng giúp tỉnh Gia Lai không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc ở các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc, 

“Toàn tỉnh hiện có 800.000ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm hơn 500.000 ha. Đến thời điểm này, Gia Lai đã thu hoạch tương đối. Sản lượng rau quả hàng năm của tỉnh là hơn 10.200 tấn, thị trường chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ", ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, cho biết.

Nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc ùn tắc ở cửa khẩu với Trung Quốc là dưa hấu. 

Theo ông Có, giá dưa hấu bình quân tại ruộng là 2.000-3.000 đồng/kg. Gia Lai có khoảng 1.600 tấn dưa hấu bị ảnh hưởng do không xuất được sang Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Sở đã sớm phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị vào cuộc tháo gỡ khó khăn.

Nông sản chủ lực khác của tỉnh là thanh long, từ nay đến Tết dự kiến hơn 3.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. 

Trong tình hình hiện tại, Gia Lai đã chủ động liên kết với các siêu thị nên “không gặp nhiều khó khăn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem