"Trị" được con nước, HTX này nuôi tôm thắng lớn

Trần Khánh Thứ hai, ngày 30/11/2020 14:05 PM (GMT+7)
Bằng sự kiên trì với nghề nuôi tôm và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều đơn vị đã gặt hái những thành công nhất định cho mình và các hộ thành viên. HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ, TP.HCM) là một trong những điển hình.
Bình luận 0

Kiểm soát dịch

Nhiều năm trước, tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm tại khu vực huyện Cần Giờ, khiến tỷ lệ hộ nuôi tôm thành công ít dần.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Chủ tịch HĐTV HTX Thuận Yến kể, từ năm 2012, HTX bắt đầu triển khai nuôi tôm và cá chẽm, cá dứa. Trong 1-2 năm đầu, việc nuôi trồng vẫn giữ được hiệu quả. Nhưng đến năm 2015 thì HTX bị thua lỗ vì không quản lý được môi trường nước, dịch bệnh lây lan trong khu vực sản xuất.

Nuôi tôm thắng lớn nhờ trị được con nước - Ảnh 1.

Nông dân có thể áp dụng mô hình của HTX Thuận Yến trên quy mô nhỏ với số vốn ít. Ảnh: T.K

"Công nghệ nuôi tôm mới an toàn sinh học đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ của nghề nuôi tôm công nghiệp. Các hộ nuôi tôm áp dụng theo mô hình này gặp nhiều thuận lợi hơn sau thời gian dài lao đao vì dịch bệnh".

Ông Lê Tôn Cường

Qua quá trình nghiên cứu các mô hình khác, cuối năm 2018, HTX Thuận Yến quyết định xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn. Đây là mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao tuần hoàn nước trong các hồ lót bạt HDPE.

Theo bà Nhiệm, nuôi tôm công nghệ cao là nuôi với mật độ rất cao nên việc kiểm soát được chất lượng nước và dịch bệnh trên nền những ao nuôi cũ là yếu tố quan trọng nhất.

Giải thích cụ thể, ông Nguyễn Hoài Nam - kỹ sư phụ trách kỹ thuật thủy sản của HTX Thuận Yến cho biết, khi áp dụng quy trình nuôi này, nguồn nước phải qua nhiều khâu xử lý, từ xử lý thứ cấp đầu vào, xử lý tinh rồi mới đưa vào hồ nuôi.

Các tiêu chuẩn của ao nuôi như độ kiềm, độ PH, độ cứng, độ canxi... sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm. Đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút các chất bẩn trong ao.

Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cho đến giai đoạn thu hoạch. Thức ăn cũng phải an toàn, không chứa các chất cấm. Các loại chế phẩm sinh học được sử dụng hàng ngày cũng phải được kiểm tra và phải đạt chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Khác biệt của công nghệ cao

Điểm khác biệt lớn nhất giữa nuôi tôm công nghệ cao và nuôi truyền thống là mật độ thả tôm, thời gian mùa vụ và khâu xử lý nước nhằm mang đến hiệu quả sản xuất cao nhất. Theo đó, giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong bể ương bằng công nghệ biofloc. Đến giai đoạn 2, tôm được đưa qua ao lớn thì sử dụng quy trình tuần hoàn nước.

Theo ông Nam, công nghệ tuần hoàn nước được hiểu là không thải loại nguồn nước cũ ra môi trường mà tái sử dụng nguồn nước đó để cấp lại cho ao nuôi. Nhờ khép kín quy trình xử lý nước, không tiếp xúc với nguồn nước có nguy cơ nhiễm bẩn từ bên ngoài nên mô hình tuần hoàn nước đảm bảo an toàn sinh học, tiết giảm chi phí.

Đánh giá về hiệu quả, bà Nhiệm cho biết, nuôi truyền thống thì mật độ thả nuôi là 100 con/m2. Còn nuôi công nghệ cao, mật độ thả tôm có thể nâng từ 300-500 con/m2.

Nuôi tôm truyền thống thường mất 3-4 tháng cho 1 vụ nuôi, sau đó là thêm 2 tuần đến 1 tháng để xử lý ao. Mô hình công nghệ cao cho phép người nuôi tôm chia ra làm nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn chỉ đảm nhiệm việc sản xuất từ 1-1,5 tháng rồi chuyển qua ao khác. Cho nên nuôi theo quy trình công nghệ cao hệ số sử dụng đất tăng lên. Nuôi truyền thống mỗi năm được 3 vụ thì nuôi công nghệ cao có thể từ 5- 6 vụ.

"Công nghệ nuôi tôm mới an toàn sinh học đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ của nghề nuôi tôm công nghiệp. Không những năng suất tăng mà chất lượng con tôm được nuôi trong môi trường an toàn sinh học cao hơn, giúp người dùng yên tâm về sản phẩm sạch đưa ra thị trường"- bà Nhiệm nói.

Quan trọng là mô hình này có tính linh động, có thể đầu tư quy mô nhỏ. Nông dân chỉ cần có từ 20-40 triệu đồng vẫn có khả năng áp dụng mô hình này cho các bể nuôi từ 50-100m3.

Với bể nuôi chỉ 50m3, nông dân vẫn có thể thu về được 200-300kg thành phẩm. Sau khi trừ chi phí, bà con có thể thu lời 20- 30 triệu đồng.

Ngoài việc tham quan, tìm hiểu trực tiếp mô hình tại HTX, nông dân cũng có thể theo học tại các lớp tập huấn do Chi cục Thủy sản TP.HCM tổ chức. Cán bộ kỹ thuật của HTX Thuận Yến cũng tham gia đứng lớp giảng dạy tại các các khóa học này.

Ông Lê Tôn Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM cho biết, huyện Cần Giờ là địa bàn trọng điểm của TP.HCM phát triển nuôi trồng thủy hải sản, nhất là con tôm. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm truyền thống, trải bạt xung quanh ao nuôi và đáy đất nhưng đa phần gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, công nghệ đã góp phần thay đổi tư duy và cách làm nông tại TP.HCM theo hướng mới, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị mà thành phố đang tích cực xây dựng và phát triển. 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem