Triển vọng năm 2020: Nông nghiệp, nông dân sẽ tạo thêm điểm nhấn

Lương Kết (thực hiện) Thứ tư, ngày 01/01/2020 05:28 AM (GMT+7)
2019 là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch của Quốc hội giao. 2020 - đâu sẽ là điểm nhấn và dấu ấn của nền kinh tế? Phóng viên Dân Việt đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, về bức tranh kinh tế - xã hội của năm mới 2020.
Bình luận 0

Kinh tế vĩ mô khởi sắc

Nhìn vào kết quả của bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 mà chúng ta đã đạt được, ông thấy điều gì gây ấn tượng nhất?

- Trước hết nếu đối chiếu với tình hình và những dự báo khó khăn đầu năm so với kết quả đạt được của năm 2019, chúng ta thấy, xu hướng tích cực của nền kinh tế vĩ mô. Đó là xu hướng được khẳng định trong suốt giai đoạn 4 năm qua (từ 2016 đến nay) và dĩ nhiên sẽ diễn biến như vậy trong năm 2020.

Cụ thể hơn có thể thấy kinh tế vĩ mô đạt 4 mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa đạt cao và tương đối ổn định. Thứ hai, kiểm soát lạm phát, đặc biệt lạm phát cơ bản luôn dưới 2%, cùng với đó giá trị đồng tiền được ổn định, củng cố thị trường tài chính tiền tệ. Thứ ba, chúng ta đã giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng số lượng việc làm nhờ tăng đầu tư.

Thứ tư, tăng xuất khẩu liên tục trong điều kiện tổng kim ngạch thương mại thế giới giảm, còn Việt Nam là quốc gia tăng liên tục. Với điểm nổi trội đó, chúng ta khẳng định nền kinh đã đi vào giai đoạn xuất siêu, chấm dứt thời kỳ nhập siêu. Bốn mục tiêu cơ bản nêu trên của kinh tế vĩ mô mọi quốc gia đều hướng tới, rõ ràng với kết quả chúng ta đã đạt được đó là tín hiệu rất tốt.

Nhìn lại một chút, chúng ta thấy từ năm 2001 - 2015, trong 3 lần kế hoạch 5 năm, xu hướng tăng trưởng giảm dần, nghĩa là 5 năm sau lại tăng trưởng thấp hơn khoảng 1% so với 5 năm trước. Nhưng bắt đầu từ giai đoạn 2016 đến nay việc tăng trưởng đã đổi chiều, nghĩa tăng trưởng cao trở lại. Điều này mở ra kỳ vọng cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Tôi cho rằng đó là vấn đề nổi bật nhất.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày các sản phẩm nông nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2019, tại Cần Thơ. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Lĩnh vực nông nghiêp trong năm qua vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, xuất khẩu đạt hơn 41,3 tỷ USD, mặc dù ngành này cũng gặp phải không ít những khó khăn, thử thách từ thiên tai, dịch bệnh… Theo ông đâu là yếu tố tạo nên thành công trong lĩnh vực này?

- Trước hết tôi cho rằng quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đề ra từ năm 2013 (trong tái cấu trúc kinh tế nói chung) trong những năm gần đây đã đi vào chiều sâu một cách tích cực. Từ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trong vài năm gần đây đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kiểm soát chuỗi sản phẩm của sản xuất nông nghiệp.

Ngày càng có nhiều hơn những doanh nghiệp, những nông trang, hợp tác xã, hộ nông dân gắn kết với những doanh nghiệp phân phối để hình thành những chuỗi sản phẩm.

Qua tìm hiểu của tôi, thời gian qua việc khởi nghiệp không chỉ xuất hiện ở những lĩnh vực như công nghệ, thương mại, mà đã xuất hiện nhiều trong nông nghiệp. Có khá  nhiều thanh niên có kiến thức đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở những địa bàn có tác động tích cực đối với người nông dân.

Nông dân trong nước ngày càng tham gia vào chuỗi giá trị nhiều hơn, họ đã ý thức được cần chấm dứt thời kỳ làm tự phát, chạy theo lợi nhuận nhất thời kiểu ồ ạt trồng loại cây này, chặt bỏ loại cây kia liên tục. Điều này tuy vẫn còn nhưng xu hướng giảm dần.

Việc tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu của quá trình tái cơ cấu, cộng với ý thức của người nông dân trong sản xuất chứ không tự nhiên có được.

“Bà đỡ” nền nông nghiệp

Tháng 12/2019 vừa qua, lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân (tổ chức ở Cần Thơ), những chương trình như vậy đã giúp cho Chính phủ có được những chính sách thiết thực hơn cho người nông dân trong quá trình thúc đẩy nông nghiệp phát triển thưa ông? 

"Năm 2020 điều quan trọng không phải là tăng trưởng kinh tế hơn 7% mà là chúng ta tạo được tiền đề tốt cho phát triển bền vững của giai đoạn sau. Tôi cho rằng các mục tiêu trong Nghị quyết về kinh tế -xã hội của Quốc hội đã rất đúng đắn”, TS Trần Du Lịch.

- 2 năm liền Thủ tướng Chính phủ tổ chức đối thoại với nông dân thể hiện: Thứ nhất, Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nhận thức được những điểm yếu cần phải tháo gỡ cho nông dân. Vai trò của Nhà nước hay nói cách khác vai trò của “bà đỡ” phải được thể hiện.

Tôi nghĩ đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân không phải để tạo ngay sự chuyển biến, đột biến nào nhưng nó thể hiện quyết tâm Chính phủ, Nhà nước thấy vai trò “bà đỡ”,tạo điều kiện để người nông dân tự thay đổi canh tác, sản xuất để thích ứng với thị trường.

Dự báo về bức tranh kinh tế -xã hội năm 2020, ông thấy có những thuận lợi và khó khăn gì, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp?

- Những yếu tố tích cực như tôi đã nêu ở trên sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, trong năm 2020 còn có những khó khăn. Ví dụ, vấn đề chính sách liên quan đến đất đai, liên quan đến tháo gỡ điểm nghẽn trong “hấp thụ” vốn, những vấn đề này cần phải tiếp tục được làm mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa trong năm 2020.

Về lĩnh vực nông nghiệp có thể thấy, thị trường thế giới vẫn còn tiềm năng rất lớn đối với nông sản của Việt Nam nhưng để xâm nhập và mở rộng vào những thị trường khó tính thì không hề đơn giản. Đây là vấn đề chúng ta phải cố gắng vươn lên hơn nữa kể cả về chất lượng và năng suất.

Riêng với nông sản chúng ta không thể quên một điều mang yếu tố sách vở, đó là “thị trường thế giới cần cái gì, chứ không phải bán cái chúng ta có”, đấy là điều chúng ta phải ý thức rõ hơn.

Mặc dù các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của năm 2019 đã đạt được kết quả tích cực, nhưng trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2020, các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra cũng không cao hơn so với kết quả đã đạt được. Phải chăng Quốc hội cũng lường cả những khó khăn, thách  thức với nền kinh tế sẽ diễn ra trong năm 2020, thưa ông?

- Đúng như vậy. Tôi cho rằng, Quốc hội ra chỉ tiêu như vậy là đúng, bởi chúng ta vẫn đang trong quá tái cơ cấu, quá trình hoàn thiện thể chế, nhiều vấn đề bất cập còn phát sinh. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh trong chăn nuôi.

Những điều đó cùng với những khó khăn khác là thách thức lớn nên chúng ta không thể đặt mục tiêu tăng mạnh được. Năm 2020, nếu chúng ta phấn đấu tốt có thể sẽ đạt ở mức tăng trưởng bình quân như 4 năm gần đây chứ không thể có kết quả cao được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem