Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị hạ xuống vì dịch Covid-19, chuyên gia nói gì ?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 16/07/2021 09:40 AM (GMT+7)
Nhiều tổ chức uy tín đã lần lượt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống thấp hơn, so với dự báo hồi đầu năm. Việc hạ tăng trưởng là do dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến nghiêm trọng, tác động mạnh tới những “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng như TP.HCM, Bình Dương...
Bình luận 0

Mới nhất, tại báo cáo nhận định kinh tế vĩ mô Việt Nam, khối nghiên cứu Ngân hàng HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống 6,1% - từ mức 6,6% trước đó.

Nguyên nhân được đưa ra cho lần điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng này của HSBC là do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị hạ xuống vì dịch Covid-19, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng nhiều do làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 (Ảnh: Q.H)

Nhiều tổ chức uy tín đồng loạt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng

Động thái điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng của năm 2021 từ 6,6% xuống 6,1% của HSBC phản ánh tác động của đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 này, khi số ca bệnh nếu như tính đến tháng 4/2021, Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng 3.000 ca nhiễm, thì tới nay con số này đã vượt hơn 15.000 ca. Mặc dù vậy, theo HSBC, một khi có thể kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng, dù còn đi sau nhiều nước về triển khai tiêm vaccine.

"Hiện, Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy đặt mua vaccine. Dựa trên nhiều thông tin công khai, ước tính, tới cuối năm 2021, Việt Nam sẽ nhận được 62 triệu liều, đủ để tiêm cho khoảng 30% dân số", HSBC ước tính.

Về lãi suất, theo HSBC, hiện Việt Nam chưa cho thấy áp lực của lạm phát nhưng nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài thay vì mang tính thời điểm, thì khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra.

Về lạm phát, HSBC kỳ vọng mức lạm phát bình quân là 2,8% trong năm 2021, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mức độ linh hoạt về chính sách trong năm 2021. Những hạn chế gần đây đã khiến nhu cầu điều chỉnh lãi suất không còn qua bức thiết, vì vậy, HSBC chỉ kỳ vọng mức điều chỉnh 50 điểm cơ sở trong quý 4/2022.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị hạ xuống vì dịch Covid-19, chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất khẩu trang trong một DN tư nhân tại TP.HCM (Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp)

Không chỉ HSBC, trước đó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng điều chỉnh hạ dự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, CIEM đưa ra hai kịch bản: Ở kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đạt 6,2%, GDP Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, ở kịch bản kém lạc quan hơn khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trước đó, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 khá lạc quan. Đơn cử, WB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, IMF là 6,5% hay mới đây nhất Ngân hàng UOB với con số tích cực lên đến 6,7%.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh đang tác động mạnh đến những "đầu tàu" dẫn dắt tăng trưởng như TP.HCM, Bình Dương... nhiều khả năng các tổ chức này sẽ có đánh giá lại về dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Song, với Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty này thậm chí điều chỉnh giảm kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,7% xuống 5,5%. Đánh giá này được đưa ra dựa trên dự báo cho rằng sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM,  có thể dẫn đến những biện pháp giãn cách cao hơn và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quý III. Tuy nhiên, VCSC giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý III.

Cùng với đó, VCSC đánh giá tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ngành sản xuất/chế biến/chế tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng có những rủi ro khiến kỳ vọng tăng trưởng trên khó thành hiện thực nếu làn sóng dịch Covid-19 thứ tư kéo dài sang quý IV/2021 và/hoặc các biện pháp giãn cách cách xã hội được thực hiện trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đẩy mạnh tiêm chủng và khống chế dịch bệnh trước, rồi hãy nghĩ tới tăng trưởng

Liên quan đến đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lúc này cần quan tâm nhất là đẩy mạnh tiêm chủng và khống chế dịch bệnh trước. Theo TS nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm như Chính phủ đã đề ra, theo tính toán, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải đạt hơn 7%. Đây là một con số rất áp lực và rất khó trở thành hiện thực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, chuyên gia kinh tế này cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp…

"Điều quan trọng lúc này là phải đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát, sau đó mới nghĩ tới khả năng tăng trưởng", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh và khẳng định, từ nay đến cuối năm, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70-80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh, ổn định sản xuất và tăng trưởng trở lại.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, hiện tại không phải lúc để nói quá nhiều đến mục tiêu tăng trưởng GDP mà cần tiếp cận theo hướng làm thế nào để đảm bảo đạt được các thành quả về chống dịch và duy trì sự ổn định như năm 2020.

"Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế giống như KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Những chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội, Chính phủ đề ra là con số để chính quyền, doanh nghiệp, người dân cả nước… cùng cố gắng phấn đấu đạt được. Đó là kỳ vọng hợp lý trong điều kiện bình thường. Còn hiện nay, chúng ta phải linh hoạt. Năm 2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến, Chính phủ đã hướng tới mục tiêu sức khỏe toàn dân quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế. Sau khi đã kiểm soát được dịch mới bắt đầu hướng đến mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội", ông Bảo chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, một mục tiêu mà Chính phủ đưa ra khá thách thức nhưng nếu đạt được, sẽ là thành tựu còn lớn hơn những gì đã đạt được trong năm ngoái, đó là đến cuối năm 2021, 75% dân số được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

"Theo tôi, mục tiêu này quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng GDP. Đạt được mục tiêu này sẽ đảm bảo các động lực kinh tế, đưa nền kinh tế sớm trở về trạng thái ổn định và giữ đà tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo, chứ không chỉ riêng năm 2021", ông Bảo khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem