Trồng 1 tỷ cây xanh: Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên cho những loại cây nào?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 30/01/2021 17:12 PM (GMT+7)
Theo dự thảo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ NNPTNT xây dựng trình Chính phủ phê duyệt, trong 5 năm tới, cả nước sẽ phấn đấu trồng được 30.000ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 150.000ha rừng sản xuất và 690 triệu cây phân tán để đạt được mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh.
Bình luận 0

Cụ thể, dự thảo đề án nêu rõ để đạt được mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, trong 5 năm tới cả nước sẽ trồng được 30.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng (tương đương khoảng 70 triệu cây). 

Mục tiêu này căn cứ vào kế hoạch đăng ký trồng rừng của các địa phương, trong những năm tới, dự kiến mỗi năm trồng mới 6.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. 

Đối với trồng mới rừng sản xuất, căn cứ đăng ký kế hoạch của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến trồng mới khoảng 150.000 ha rừng sản xuất, bình quân khoảng 30.000 ha/năm (tương đương với khoảng 240 triệu cây). 

Còn lại khoảng 690 triệu cây trồng phân tán trong các khu đô thị, vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đường giao thông, công sở, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo và các công trình công cộng khác,... 

Riêng trong năm 2021, dự thảo đề án đặt ra mục tiêu trồng khoảng 182 triệu cây xanh (trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020).

Trồng 1 tỷ cây xanh: Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên cho những loại cây nào? - Ảnh 1.

Để thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, theo Bộ NNPTNT, cả nước cần trồng được 30.000ha rừng phòng hộ, đặc đụng; 150.000ha rừng sản xuất và 690 triệu cây phân tán. Ảnh: I.T

Bộ NNPTNT tính toán, với 1 tỷ cây xanh được trồng mới, trong đó có 690 triệu cây xanh phân tán đô thị và nông thôn, 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất bằng cây lâu năm sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến.

Với tổng diện tích 180.000 ha rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 45 triệu USD.

Theo Bộ NNPTNT, đối với cây phân tán, các địa phương nên chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích. 

Đối với rừng đặc dụng: chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó. 

Đối với rừng phòng hộ: trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt. 

Đối với rừng sản xuất: tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn.

Kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh.

Ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,… 

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chí trồng cây xanh cụ thể trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. 

Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị; trong đó, bảo đảm không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và quy định hiện hành. 

Trường hợp không bảo đảm tỷ lệ cây xanh/công trình theo quy định thì chủ đầu tư phải trồng bổ sung hoặc bố trí trồng cây xanh với diện tích/số cây tương đương tại khu vực khác. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất cho phát triển rừng và trồng cây xanh, bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích; dành quỹ đất đủ lớn cho phát triển cây xanh, bảo đảm các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án phát triển giao thông gắn với trồng cây xanh; bảo đảm 100% đường giao thông đô thị và nông thôn được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

UBND các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem