Trong "bão dịch", nhìn rõ điểm yếu vực dậy ngành chăn nuôi, thủy sản

Minh Huệ Thứ tư, ngày 28/04/2021 05:27 AM (GMT+7)
Làm thế nào để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 là nội dung được bàn bạc tại Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới, do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây.
Bình luận 0

Lần đầu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1,23 tỷ USD

Sau hơn 10 năm triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều lĩnh vực đã có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới như: Nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa đứng số 1 khu vực Đông Nam Á; xuất khẩu tôm, cá tra trong tốp đầu thế giới…

Tuy nhiên, trong bối cảnh các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn tăng cao..., ngành chăn nuôi đã bộc lộ những điểm yếu, "đứt gãy" trong chuỗi.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn cả nước đến cuối năm 2020 đạt 27,3 triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn lợn trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (31 triệu con). Sản lượng thịt lợn hơi năm 2020 đạt khoảng 3,46 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2019, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. 

Đặc biệt so với trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi bán tại cửa chuồng hiện đã giảm khá mạnh, dao động từ 74.000 - 78.000 đồng/kg.

Vượt khó, vực dậy ngành chăn nuôi, thủy sản  - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh tăng khiến nông dân gặp khó khăn. Ảnh: T.L

Đối với đàn gia cầm, hiện tổng đàn khoảng 510 triệu con, tăng 6,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi đạt trên 1,42 triệu tấn, tăng khoảng 9,2%, sản lượng trứng đạt 14,5 tỷ quả, tăng khoảng 9,5% so với năm 2019. 

Tuy nhiên, do sản lượng tăng nhanh nên nhiều tháng qua, giá một số sản phẩm gia cầm liên tục giảm, mạnh nhất là nhóm gà thịt lông màu, gà công nghiệp và các sản phẩm trứng gia cầm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nhập khẩu (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…). Lưu ý tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc. Ước tính nhu cầu tăng thêm cho mục tiêu này là từ 150.000 - 200.000ha vào năm 2025.

Cục Chăn nuôi cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phức tạp, nhưng có một điều đáng mừng là năm 2020, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vượt 1 tỷ USD, đạt khoảng 1,23 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2015.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ lo ngại, hiện dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tác động bao trùm các hoạt động kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi tiêu thụ, vận chuyển. 

Nhiều nước đưa ra chính sách đóng cửa đã ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản. Dịch tả lợn châu Phi đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi như viêm da nổi cục ở trâu, bò... đã gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi.

"Đặc biệt, giá thức ăn đang tăng cao, lên tới 20 - 30% khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản rất chật vật. Điều này thôi thúc chúng ta phải tìm giải pháp nâng cao năng lực của ngành để xử lý những tình huống trên nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra" - Thứ trưởng Tiến nói.

Về giá thức ăn chăn nuôi, theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tính từ lần tăng giá đầu tiên cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng 5 - 6 đợt, trung bình tăng từ 30 - 35%. 

Trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ chưa thể giảm ngay mà có thể tới tháng 7 mới dần ổn định. Nguyên nhân do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng "nóng".

Nhìn rõ điểm yếu, thay đổi tư duy sản xuất

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Dabaco cho biết, 2 năm qua ngành chăn nuôi bị 2 dịch kép tấn công là dịch tả lợn châu Phi và Covid-19, trong đó dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn lợn của công ty. Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, đó là doanh nghiệp có cơ hội nhìn lại những điểm yếu của mình, thực hiện tái cơ cấu, thay đổi theo hướng chăn nuôi an toàn, quy mô hợp lý, hiệu quả.

Dabaco đang định hướng tăng số lượng đầu lợn, dự kiến 2 năm tới tăng 25% số lượng tổng đàn. Các trang trại thực hiện chăn nuôi theo vòng tròn khép kín, vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

"Đối với chăn nuôi gà, để tránh tình trạng giá gà lúc lên lúc xuống, giải pháp của chúng tôi là giữ đàn gà giống, giữ trứng trong phòng lạnh. Khi "bão giá" đi qua, chúng tôi vẫn có con giống, có trứng tung ra thị trường. Cần tăng đàn, chúng tôi có thể tăng ngay" - đại diện Dabaco cho biết thêm.

Về thủy sản, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, những khó khăn chính mà lĩnh vực thủy sản đang gặp phải là hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ. 

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song… cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Cũng như chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng bởi giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù vậy, năm 2021, thủy sản vẫn giữ ổn định mục tiêu 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng 4,75 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2020.

Để đạt kết quả trên, ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường nuôi trồng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem