"Cao nhân" trồng cây dó bầu ở Bắc Kạn hé lộ về cách chế thứ thuốc lạ tạo trầm hương thơm nức

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 29/05/2023 12:54 PM (GMT+7)
Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, mày mò thử nghiệm, ông Triệu Ứng Lai (xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã trồng thành công cây dó bầu. Cây dó bầu đã cho ra thứ trầm hương thơm nức bằng chế phẩm sinh học do chính tay ông Lai làm ra.
Bình luận 0

Clip: Ông Triệu Ứng Lai, nông dân xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đã trồng thành công cây dó bầu. Chế phẩm sinh học tạo trầm hương trên cây dó bầu được tạo ra bởi chính ông Lai-một "nhà khoa học chân đất" ở Bắc Kạn. Clip: Chiến Hoàng

Nỗ lực biến cây dó bầu thành "con gà đẻ trứng vàng"

Giữa trưa, nắng như đổ lửa, tại cánh rừng thuộc thôn Pác Toong, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn lúc này, ông Triệu Ứng Lai vẫn đang đánh vật với bình "thuốc sâu" được làm từ các loại lá rừng. Ông Lai tỉ mẩn chăm chút những cây dó bầu như chăm đàn con thơ.

Cao nhân "bắt mạch" trầm hương ở Bắc Kạn trải lòng về thứ thuốc lạ - Ảnh 2.

Ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) giới thiệu về quy trình cấy chế phẩm tạo trầm hương trên thân cây dó bầu. Ảnh: Giang Hoàng

Nhìn rừng cây dó bầu đang thì mướt xanh, ông Lai hài lòng lắm. Ông bảo, chỉ chừng 5-6 năm nữa thôi cây đã có thể cấy trầm hương rồi đấy. Miệng nói, tay ông vẫn thoăn thoắt đưa cần bơm thuốc cho cây.

Ông Lai cho biết, trầm hương có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 20 năm trước từng có một lãnh đạo tỉnh mang cây dó bầu về Bắc Kạn với hy vọng giúp dân thoát nghèo, tiếc là chưa thành công.

"Tôi ấp ủ việc tạo trầm hương từ cây dó bầu đã lâu nhưng mãi đến năm 2020, khi dự Đại hội Thi đua yêu nước, gặp được anh Trương Văn Thủy (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), người có cùng đam mê chinh phục cây dó bầu tạo trầm hương. Chúng tôi đã quyết định bắt tay cùng nhau nghiên cứu, tạo ra một loại chế phẩm tạo trầm hương để cấy vào cây dó bầu.

Chúng tôi tập trung hỗ trợ nhau nghiên cứu với hy vọng làm ra chế phẩm tạo trầm hương. Quá trình mày mò nghiên cứu thử nghiệm thất bại cũng lắm. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã tạo thành công chế phẩm tạo trầm hương cho cây dó bầu để tạo trầm hương như hiện nay" - ông Lai chia sẻ.

Theo ông Lai, chế phẩm của ông và ông Thủy nghiên cứu ra chủ yếu được làm từ các loại lá cây đắng, ngọt, thậm chí có cả những cây rau hằng ngày vẫn dùng cộng với nước dãi của con kiến.

"Cây dó bầu xưa bà con trồng nhiều, giờ cũng đã khá to, chúng tôi mua lại cây của bà con để cấy và bước đầu đã cho được trầm hương. So với việc đi mua chế phẩm, dùng chế phẩm tạo trầm hương của chúng tôi giảm được khoảng 80 - 90% chi phí đầu vào.

Hiện nay tôi đang liên kết với nhiều hộ dân ở một số xã của huyện Chợ Đồn, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn), một số xã của tỉnh Tuyên Quang và huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) để trồng cây dó bầu. Cùng với đó, chúng tôi còn mua lại cây dó bầu của người dân. Cây dó bầu chúng tôi mua lại với bà con đã to, có thể cấy ngay được nên giá cũng tương đối đắt.

Nếu người dân chặt cây dó bầu bán gỗ chỉ khoảng 3 triệu đồng/cây. Chúng tôi mua lại với giá 5-6 triệu đồng mỗi cây. Tuy nhiên khi mua, chủ rừng sẽ bảo vệ cây giúp cho đến khi thu hoạch trầm hương" - ông Lai cho biết thêm.

Cao nhân "bắt mạch" trầm hương ở Bắc Kạn trải lòng về thứ thuốc lạ - Ảnh 3.

Cây dó bầu đang được bơm chế phẩm tạo trầm hương này do ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) mua lại với người dân. Ảnh: Chiến Hoàng

Dẫn chúng tôi sang một cánh rừng khác cũng thuộc thôn Pác Toong (xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), ông Lai tỉ mỉ giới thiệu cho chúng tôi cách thức cấy trầm hương trên thân cây dó bầu.

Từ gốc đến ngọn những cây dó bầu lớn được ông Lai khoan cắm chi chít ống dẫn cấy mồi chế phẩm. Cạnh đó cũng có khá nhiều cây đã được ông Lai thu hoạch trầm hương.

Theo ông Lai, chế phẩm sinh học tạo trầm hương do ông và ông Trương Văn Thủy làm ra khi chưng cất tinh dầu, thu được tinh dầu trong hơn và thơm cũng lâu hơn so với chế phẩm ông mua về để cấy vào một số cây trước đó.

"Phá nồi" quyết bắt trầm hương

Kể lại quá trình chưng cất tinh dầu trầm hương, ông Triệu Ứng Lai cười bảo, để chưng cất được, hai anh em đã phá hơn 8 cái nồi quân dụng. Sau nhiều lần thử nghiệm không thành, họ cũng tìm ra được kinh nghiệm và cơ chế. Từ đó họ lên bản vẽ, nhờ thợ cơ khí làm ra chiếc nồi inox chưng cất tinh dầu sử dụng điện và chạy ổn định như hiện nay.

Cao nhân "bắt mạch" trầm hương ở Bắc Kạn trải lòng về thứ thuốc lạ - Ảnh 4.

Chiếc nồi chạy bằng điện dùng chưng cất tinh dầu trầm hương do ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) làm ra. Ảnh: Chiến Hoàng

"Tinh dầu trầm hương hiện bán ra thị trường khoảng 600 - 700 triệu đồng/lít, tuy nhiên chúng tôi chưa hài lòng với điều đó nên đã tính toán và tìm ra phương thức nấu rượu trầm hương. Nếu bán rượu trầm hương, một lít tinh dầu có thể thu về khoảng 2 tỷ đồng.

Để sản phẩm ra được thị trường, chúng tôi đang tiến hành làm các thủ tục như chứng nhận an toàn thực phẩm, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, mẫu mã bao bì cũng như mang sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng. Được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành như Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Đồn, Sở Công Thương, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn… hiện nay các thủ tục đã gần cơ bản" - ông Lai thông tin.

Cao nhân "bắt mạch" trầm hương ở Bắc Kạn trải lòng về thứ thuốc lạ - Ảnh 5.

Những vò rượu trầm hương do ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) nấu ra đợi xuất bán khi hoàn thiện thủ tục cấp phép. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo ông Triệu Ứng Lai, hiện gia đình đã trồng được hơn 13.000 cây dó bầu trên diện tích 4,5ha. Thêm những nơi khác liên kết trồng, ước chừng cũng trên 20.000 cây.

Ông Lai cho biết, ông và ông Thủy đã đầu từ vào đó khoảng 2 tỷ đồng. Nếu cứ ổn định như hiện nay, chỉ vài năm nữa thôi có thể sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế rừng, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

"Điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là vấn đề đăng ký bản quyền đối với với chế phẩm tạo trầm hương mà chúng tôi làm ra. Chúng tôi là nông dân nên khá hạn chế trong việc này. Chúng tôi mong được các ngành chức năng hướng dẫn để thuận cho việc đăng ký bản quyền đối với chế phẩm sinh học tạo trầm hương trên cây dó bầu" - ông Lai bộc bạch.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nông Trường Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, ông Triệu Ứng Lai đã tạo ra được chế phẩm sinh học tạo trầm hương trên cây dó bầu, cùng với đó nấu thành công rượu trầm hương, đây cũng là sản phẩm địa phương làm hồ sơ cấp chứng nhận OCOP.

"Trong quá trình tìm ra chế phẩm sinh học tạo trầm hương, ông Lai cũng đã đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương trong việc trồng cây nguyên liệu. Cùng với đó, ông Lai cũng rất thành công với mô hình kinh tế tổng hợp mà gia đình đang thực hiện.

Chúng tôi cũng đã tuyên truyền mô hình VAC của ông Triệu Ứng Lai đến với người dân. Tới đây chúng tôi cũng sẽ tính tới việc nhân rộng mô hình này" - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem