'Trong khó khăn vì dịch Covid-19, cần có quyết tâm của doanh nghiệp'

11/03/2020 07:00 GMT+7
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh khẳng định như vậy khi nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gặp khó vì dịch Covid-19.

“Chỉ thiếu một chút phụ gia thôi là không làm được lốp xe, mà phụ gia đó phải nhập khẩu. Cứ dịch thế này thì chúng tôi sẽ hết phụ gia dự trữ trong tháng tới, lúc đó có thể phải dừng sản xuất”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói với PV.

Vinachem là một trong rất nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước, với vốn điều lệ hàng tỷ USD, đang gặp khó bởi dịch Covid-19. Nếu dịch tiếp diễn, tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Phú Cường về làm Chủ tịch Vinachem vừa tròn 2 năm. Hồi mới về, nhiều người ví von ông ngồi “chiếc ghế nóng” bậc nhất của các doanh nghiệp Nhà nước khi đó. Vinachem sở hữu nhiều dự án yếu kém của ngành công thương. Nhiều lãnh đạo Vinachem tiền nhiệm bị bắt, sản xuất ít nhiều bị đình trệ.

Cạn kiệt nguyên liệu

Hai năm gần đây, Vinachem bắt đầu phục hồi dần, đi vào ổn định sản xuất. Nhiều dự án yếu kém đã từng bước được cắt lỗ, có lãi. Tuy vậy, thời gian ổn định chưa lâu thì dịch Covid-19 ập tới.

Vinachem là doanh nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng liên quan hóa chất quan trọng cho nền kinh tế như phân bón, thuốc trừ sâu, chế biến mủ cao su, làm ra nhiều loại hóa chất quan trọng là đầu vào của nhiều ngành khác. Ngay cả trong bối cảnh dịch, hóa chất sát trùng cũng là sản phẩm đặc biệt của Vinachem.

Ông Cường nhấn mạnh doanh nghiệp này không sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, nhưng lại là đầu ra và đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế xương sống, nên sẽ thấy rất rõ sự ảnh hưởng của cả chuỗi giá trị do dịch Covid-19.

'Trong khó khăn vì dịch Covid-19, cần có quyết tâm của doanh nghiệp' - Ảnh 1.

Nhà máy đạm Ninh Bình của Vinachem. Ảnh: Hiếu Công.

Với lĩnh vực chế biến mủ cao su, Vinachem nhập nguyên liệu từ Tập đoàn Cao su Việt Nam, sau đó chế biến nhiều sản phẩm, chủ yếu là săm lốp cho nhiều hãng ôtô, xe máy lớn trên toàn thế giới. Nhóm ngành này gặp khó ở 2 vấn đề là nguyên phụ liệu và thị trường.

Về nguyên phụ liệu, để sản xuất ra một chiếc lốp xe cần rất nhiều phụ gia nhập khẩu. Do vậy, thiếu phụ gia thì Vinachem khó sản xuất được. Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc nhập phụ gia từ Trung Quốc gặp khó khăn trong khi dự trữ của Vinachem chỉ còn đến khoảng tháng 4.

Về thị trường, các hãng sản xuất lắp ráp ôtô trên toàn thế giới thu hẹp sản xuất khiến nhu cầu về săm lốp cũng giảm dần. Có trường hợp, một nhà máy sản xuất ôtô ở nước thứ 3, do không nhập được linh kiện từ Trung Quốc, nên phải đóng cửa dây chuyền.

Như vậy, họ không nhập các linh phụ kiện khác từ các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc, trong đó có Vinachem. Điều này cũng xảy ra với mặt hàng pin, ắc-quy dành cho các loại xe, vốn là thế mạnh nổi bật của Vinachem.

Về nhóm ngành phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, chất tẩy rửa, sơn, chất dẻo, cũng gặp khó tương tự là nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngoài ra, còn gặp khó về thị trường và nguyên liệu. Ông Cường cho biết khi tình trạng nông sản ứ đọng, nông dân thu hẹp sản xuất, cộng thêm hạn mặn ở miền Tây có thể khiến nhu cầu của hàng hóa này giảm xuống.

“Mấy ngày là chúng tôi có thể làm ra 1.000 tấn phân ure, tương đương khoảng 60 tỷ đồng. Tiêu thụ không được là 60 tỷ cất vào kho ngay, không biết khi nào thanh khoản được”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, Vinachem còn có lĩnh vực khai thác quặng đang gặp khó về vận chuyển và hóa chất tuyển quặng. Hóa chất tuyển quặng có thể mua được ở các nước khác với chi phí cao hơn, nhưng việc vận chuyển quặng lại đang là bài toán lớn.

Vinachem có một số mỏ quặng ở Lào Cai, phải vận chuyển bằng đường sắt về nhà máy chế biến. Thông thường, doanh nghiệp này sẽ chiếm khoảng 29% lượng hàng hóa vận chuyển của tàu. Nghĩa là “cộng sinh”, chuyến tàu vừa vận chuyển hàng, vừa vận chuyển hành khách và hàng hóa khác.

“Nay chỉ mình Vinachem chuyển quặng không thể bao hết cả chuyến tàu. Mà nếu đừng chạy tàu thì chúng tôi không chuyển được quặng”, Chủ tịch Vinachem nói.

Ông Cường cho rằng hiện tại vẫn có thể duy trì sản xuất và mong muốn dịch sớm kết thúc để sản xuất ổn định trở lại. Trong trường hợp dịch kết thúc muộn hơn, khoảng tháng 5-6, Vinachem có thể rơi vào nhiều khó khăn.

“Hiện chúng tôi đang xây dựng nhiều kịch bản để có cách ứng phó tùy vào tình hình. Nhưng mong dịch sẽ kết thúc sớm”, Chủ tịch Vinachem chia sẻ.

Kéo thụt lùi ngành vài năm

Trước khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thị dự án xây dựng sân bay Long Thành được trình ra Quốc hội, nhiều cuộc họp, hội thảo được tổ chức để mổ xẻ câu chuyện có nên giao cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) xây dựng hay không.

Trong khi đó, ACV tự tin về tài chính và cho rằng có nguồn tiền lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đang gửi tại các ngân hàng. Mặt khác, việc kinh doanh thuận lợi tại nhiều cảng hàng không đang “đẻ ra tiền”, tạo ra một dòng tài chính dồi dào, có thể tích lũy để tái đầu tư ở Long Thành.

Tuy vậy, dịch Covid-19 xảy ra, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh nói với Zing.vn rằng sẽ vẫn quyết tâm xây dựng các dự án trọng điểm, nhưng phải tính toán lại dòng tiền.

Theo ông Thanh, khi dịch bùng phát, ngành hàng không chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề. Sản lượng sụt giảm, nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách thấp đi, các cảng gặp khó khăn.

'Trong khó khăn vì dịch Covid-19, cần có quyết tâm của doanh nghiệp' - Ảnh 2.

Ngành hàng không đang lao đao vì dịch Covid-19. Ảnh: ACV.

Theo tính toán, nếu kịch bản dịch được kiểm soát trong tháng 6, cuối năm nay thị trường phục hồi thì sản lượng hàng không sẽ sụt giảm khoảng 30-40%. Tuy vậy, ông Thanh cho rằng doanh thu và lợi nhuận của ACV có thể giảm 70-80%. Nguyên nhân là sản lượng giảm, nhưng có thể sẽ không đạt hiệu quả cao như trước do giá vé giảm, lượng ghế trống cao trên cùng một chuyến bay.

Với ảnh hưởng như vậy, AVC đang tính toán lại kế hoạch trung hạn và dài hạn từ nay đến 2030. Doanh nghiệp sẽ vẫn cân đối vốn để quyết tâm thực hiện dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Tuy nhiên, có thể giảm hoặc giãn những dự án không cấp bách.

Đồng cảnh ngộ với ACV là Vietnam Airlines, thậm chí tình hình còn xấu chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không. Theo tính toán, doanh nghiệp này "đắp chiếu" khoảng 40 máy bay, đang thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng trăm phi công dôi dư, 20.000 lao động bị ảnh hưởng.

Trước đây, Vietnam Airlines bay đến các thị trường Đông Bắc Á nhiều tiềm năng, lượng khách dồi dào khiến doanh thu tăng mạnh. Điển hình thị trường Trung Quốc chiếm 10% số lượng chuyến bay, tuy nhiên, hiện thị trường này đã đóng cửa. Theo Reuters, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, khẳng định doanh nghiệp đang chịu những thiệt hại nặng nề vì dịch. Theo ông, dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã "bốc hơi" vì dịch.

Cũng đồng cảnh ngộ là một doanh nghiệp vận tải khác, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR). Một phó tổng giám đốc VNR cho biết hai tháng đầu năm sản lượng vận chuyển chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình một đoàn tàu 300 chỗ, trước kia lấp đầy khoảng 70%, nay giảm một nửa.

Trong khi đó, hiện đã có nhân viên 4 đoàn tàu, khoảng 80 người phải cách ly do có hành khách nhiễm, nghi nghiễm đi trên tàu. Doanh nghiệp vẫn phải lo duy trì hệ kết cấu đường, hệ thống điều hành…

Sẽ có gói tín dụng hỗ trợ

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bắt đầu thu phí ngày 18/2, tức ngày 25 tháng Giêng. Chủ đầu tư là Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và nhiều người từng kỳ vọng đây sẽ là dự án “con gà đẻ trứng vàng” với mật độ phương tiện, hàng hóa lớn từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn về các tỉnh và ngược lại.

Tuy vậy, thời điểm cao tốc thu phí chính là lúc dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, biên giới được kiểm soát đi lại, hàng hóa sụt giảm, doanh nghiệp “cháy” phương án tài chính.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết nhiều dự án của mình bị hụt thu do dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong phương án tài chính. Theo báo cáo, từ 8/1/-20/1 (âm lịch), doanh thu thu phí các chuyến cao tốc giảm 14,1% so với cùng kỳ 2019.

Tuyến Nội Bài - Lào Cai sụt giảm 28%, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình giảm 14,3%, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giảm 5,8% so với cùng kỳ. Doanh thu phí tháng 2 giảm 50 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thì cho biết hầu hết đội tàu phải lùi dần, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu. Hoạt động logistics của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với khách hàng Trung Quốc đang tạm dừng gây thiệt hại lớn. Hoạt động tạm nhập tái xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt chi phí lưu kho tăng cao.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam.

Phạm vi ảnh hưởng bao trùm nhiều lĩnh vực, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm, đình trệ trong sản xuất, kinh doanh, suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, cần có sự quyết tâm của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty cần đẩy mạnh khai thác, tận dụng tiếp cận các thị trường mới. Theo ông, đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm, tiết giảm chi phí, giãn hoãn mua sắm chưa cấp bách sẽ là những biện pháp quan trọng trong lúc này.

Người đứng đầu Ủy ban quản lý khoản vốn khoảng 1,5 triệu tỷ đồng cho rằng nhân cơ hội này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, để từ đó hạn chế những điểm yếu từng xảy ra.

Trong chỉ thị mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu một số Bộ khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 3.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có chính sách về thuế và chi ngân sách, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Hiếu Công/Zing
Cùng chuyên mục